Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng và buồn nôn, đau tức vùng gan, bệnh nhân Nguyễn C. L, 64 tuổi, trú tại thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc mới quyết định đến Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được các bác sỹ tư vấn, kiểm tra, làm các xét nghiệm đầy đủ. Kết quả cho thấy, bệnh nhân đã bị viêm gan B mạn tính. Bệnh nhân L cho biết: “ Tôi chưa có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh vì nghĩ rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường nào. Giờ đây cảm thấy mệt mỏi, tôi mới nghe gia đình khuyên đi bệnh viện để khám và phát hiện bị viêm gan B. Nhập viện tuân thủ điều trị tại khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện ĐK tỉnh một tuần, sức khỏe của tôi tiến triển tốt hơn”.
Bác sỹ khoa Truyền nhiễm khám, kiểm tra sức khỏe..
Cũng như bệnh nhân L, bệnh nhân Nguyễn T. K, 49 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân Hà, Phường Sông Trí tình cờ phát hiện viêm gan B sau khi nhập viện điều trị mạch vành. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà nhiễm viêm gan B, men gan và tải lượng vi rút cao gấp 6 lần so với người bình thường, kèm theo dấu hiệu ứ mật. Chụp cộng hưởng từ phát hiện thêm một khối u gan kích thước 25 x26mm. Rất may khối u của bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm và nằm tại vị trí thuận lợi, có thể can thiệp phẫu thuật với tiên lượng điều trị khá khả quan.
Hai trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình trong số rất nhiều bệnh nhân mắc viêm gan phát hiện bệnh muộn do chủ quan, không thăm khám sức khỏe định kỳ – đặc biệt là ở người trẻ tuổi, khi sức khỏe còn tốt và hầu như không có triệu chứng. Vi rút là nguyên nhân gây viêm gan phổ biến nhất và ba loại vi rút thường gặp nhất là vi rút viêm gan A, B, C. Trong đó, viêm gan vi rút A lây qua đường tiêu hóa và thường tự khỏi sau khi cơ thể đào thải hết vi rút nên không có tình trạng nhiễm vi rút mạn tính. Vi rút viêm gan B,C lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, trong các trường hợp như sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn,...Nhiều người cơ thể không có khả năng đào thải vi rút dẫn đến nhiễm vi rút viêm gan B,C mạn tính.
và tư vấn bệnh nhân viêm gan điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Trên thế giới, viêm gan vi rút mãn tính gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, tức là 3.500 ca tử vong mỗi ngày, chủ yếu là do ung thư gan và xơ gan. Viêm gan B và C đang lây lan âm thầm, với 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng đầu trong 5 bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Việt Nam cũng là nước nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan cao nhất thế giới. Tại Hà Tĩnh, số lượng người mắc căn bệnh về gan ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày khoa Ung bướu-Y học hạt nhân- Bệnh viện ĐK tỉnh có từ 100 - 150 bệnh nhân nội trú, trong đó có khoảng 20 - 30 bệnh nhân bị các bệnh lý về gan vào điều trị trong tình trạng nặng và trên nền viêm gan mãn. Mỗi năm có khoảng 450 bệnh nhân phải điều trị ung thư gan. Hiện tại, Phòng Tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan vi rút B, C của bệnh viện đã lập hồ sơ, cấp thuốc, quản lý và điều trị ngoại trú cho hơn 1.500 bệnh nhân mắc viêm gan, qua đó giúp cho các bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh được các biến chứng và hạn chế được tử vong; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân không phải đi xa điều trị, tiết kiệm thời gian, giảm kinh phí đi lại cho người bệnh.
Theo bác sĩ Thái Văn Nhật, bác sĩ điều trị khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện ĐK tỉnh: bệnh viêm gan có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể suốt hàng chục năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi sức đề kháng suy yếu, hoặc người bệnh dùng thuốc bừa bãi, vi rút viêm gan có thể tái hoạt động mạnh mẽ, dẫn đến suy gan cấp tính, thậm chí tử vong nếu không kịp thời can thiệp. Người mắc viêm gan tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc, hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này có thể gây tổn thương gan âm thầm, đẩy nhanh quá trình xơ gan, dẫn đến suy gan và ung thư gan.
Nhiều bệnh nhân đến kiểm tra viêm gan vi rút tại Phòng tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Người dân nên chủ động tầm soát viêm gan vi rút ít nhất một lần mỗi năm, đặc biệt nếu trong gia đình có người từng mắc viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan và nên tiêm phòng đầy đủ. Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể. Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay… Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm vi rút viêm gan hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ cho trẻ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
“Hiện đã có vắc xin phòng bệnh viêm gan A,B. Đối với những người đã tiêm phòng vắc xin viêm gan B, nên kiểm tra chỉ số kháng thể (anti-HBsAg) để bảo đảm cơ thể có đủ khả năng bảo vệ gan. Còn với người đã được chẩn đoán viêm gan B mạn tính, việc theo dõi định kỳ và tuân thủ điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa là yếu tố then chốt nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Tầm soát viêm gan chính là một trong những giải pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Nhật nhấn mạnh.
Ngày 28/7 hằng năm được lựa chọn là Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút. Năm 2025, Việt Nam chọn chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan” qua đó nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đẩy mạnh xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời, cùng sự chung tay của cộng đồng, chúng ta có thể đẩy lùi và tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút vào năm 2030.
Đoàn Loan