Trong xã hội ngày nay, với các thói quen xấu trong cuộc sống và sinh hoạt nên dẫn đến các mối nguy về các bệnh lý không lây nhiễm ngày càng lớn và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một trong số đó là bệnh tăng huyết áp – được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng".

Vào điều trị tại Khoa Thận cơ xương khớp, BVĐK tỉnh trong tình trạng suy thận mạn do biến chứng của tăng huyết áp, thế nhưng bệnh nhân N.Đ.H (65 tuổi, xã Can Lộc) vẫn không biết được mình bị huyết áp cao trong một thời gian dài.
“Thỉnh thoảng tôi có bị đau đầu, hoa mắt, mắt nhìn mờ, ù tai, tuy nhiên chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của tuổi tác nên không đi thăm khám. Cho đến khi thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi, đi thăm khám mới biết mình bị huyết áp cao và biến chứng suy thận phải nhập viện điều trị” – bệnh nhân N. chia sẻ.
Còn tại Khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh, hầu hết các bệnh nhân vào điều trị tại khoa liên quan đến các bệnh lý như: suy tim, các bệnh mạch vành, rung nhĩ, xơ vữa động mạch, phình động mạch… đều có tiền sử bị mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó phổ biến ở độ tuổi trên 45.
Ngoài ra, tăng huyết áp cũng là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Hiện nay, 100% các trạm y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đều triển khai mô hình quản lý và điều trị tăng huyết áp với tổng số trên 5.000 người.
Tại Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng gần 2.500 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó, trên 80% để lại các di chứng. Trung bình mỗi ngày BVĐK tỉnh tiếp nhận từ 4 - 7 trường hợp bị đột quỵ được chuyển lên từ các cơ sở y tế tuyến dưới. Qua khai thác, hầu hết các bệnh nhân đều có tiền sử về bệnh tăng huyết áp và nhiều bệnh lý nền khác.

Bác sỹ Phạm Hữu Đà – Trưởng khoa Tim mạch (BVĐK Hà Tĩnh) cho biết: “Mặc dù tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm song trên thực tế không ít bệnh nhân lại không biết mình bị bệnh. Chỉ đến khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm hoặc tình cờ thăm khám thì mới biết mình bị tăng huyết áp. Điều này khiến cho việc kiểm soát và phòng ngừa các biến chứng gặp rất nhiều khó khăn. Không ít các trường hợp đã bị nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp”.
Theo các chuyên gia y tế, một người được xác định là tăng huyết áp khi có huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 90 mmHg. Ngoài các vấn đề về tuổi tác, giới tính thì việc sinh hoạt thiếu lành mạnh, lạm dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống thiếu khoa học là một trong những nguy cơ gây nên tình trạng tăng huyết áp.
Được biết, hiện nay, việc chuẩn đoán tăng huyết áp khá đơn giản. Ngoài việc người dân có thể mua máy đo tại nhà thì tại tất cả các trạm y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đều có chương trình tầm soát và điều trị bệnh không lây nhiễm, trong đó có tăng huyết áp và đái tháo đường. Người dân có thể chủ động đến các trạm y tế để kiểm tra huyết áp thường xuyên và nếu bị mắc tăng huyết áp sẽ được các y bác sỹ lập hồ sơ, tư vấn điều trị thường xuyên.

“Mặc dù việc chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản song người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát nhất là tại các khu nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này khiến số người bệnh được chẩn đoán mắc tăng huyết áp vẫn chiếm tỉ lệ thấp, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người bệnh nếu xuất hiện các biến chứng. Mặt khác, không ít bệnh nhân bị tăng huyết áp, xuất hiện các biến chứng về tim mạch, thế nhưng sau khi điều trị ổn định, xuất viện lại không tuân thủ các khuyến cáo kiểm soát huyết áp bằng thuốc, duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này dẫn đến các nguy hiểm liên quan đến các biến chứng của bệnh tăng huyết áp tiếp tục tái diễn và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn” – bác sỹ Phạm Hữu Đà cho biết.
Theo khuyến cáo từ ngành y tế, ngoài những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như di truyền, bệnh mãn tính hay giới tính thì huyết áp có thể được kiểm soát thông qua thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm chế độ ăn mặn. Tăng cường vận động, rèn luyện sức khỏe, hạn chế bia rượu và không hút thuốc lá. Định kỳ kiểm tra chỉ số huyết áp để phát hiện kịp thời nếu bị mắc bệnh. Đối với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ việc điều trị và thường xuyên đến các trạm y tế để được tầm soát, tư vấn và chăm sóc liên tục. |
Theo Báo Hà Tĩnh