CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Đái tháo đường 01:32 06/05/2019 (1874)

Để sống vui, khỏe với bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), đặc biệt là ĐTĐ typ 2 đang ngày gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Vấn đề này không chỉ mang lại gánh nặng kinh tế về điều trị, tàn phá sức khỏe của người bệnh mà còn làm mất đi sức lao động cho xã hội.

Tuy nhiên, người bệnh ĐTĐ cũng không vì thế mà mất đi niềm tin vào cuộc sống vì có nhiều biện pháp giúp người bệnh sống vui, sống có ích chung với bệnh tật. 

Nỗi lo về biến chứng

ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa, khi bệnh nhân có lượng đường (glucose) cao trong máu và vượt quá ngưỡng giới hạn lọc của cầu thận dẫn đến tình trạng glucose trong nước tiểu. Tùy vào cơ chế bệnh sinh mà người ta đã chia ra làm 2 nhóm bệnh ĐTĐ chính: ĐTĐ typ 1 (nhóm bệnh ĐTĐ phụ thuộc insulin), là bệnh gây ra do cơ thể bị thiếu insullin vì lý do bẩm sinh hoặc cơ chế miễn dịch, thường gặp ở người trẻ. ĐTĐ typ 2 chiếm chủ yếu khoảng 90%-95% số bệnh nhân, bệnh do các tế bào đáp ứng kém với sự điều chỉnh glucose trong máu dẫn đến tình trạng tăng đường máu, mặc dù nồng độ insullin là bình thường ở nhóm người này. ĐTĐ typ 2 chủ yếu xuất hiện người thể trạng béo phì, thừa cân và có tỉ lệ cao ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay người trẻ tuổi mắc ĐTĐ typ 2 đang ngày càng trẻ hóa.

Các biến chứng của ĐTĐ thường xảy ra như: Biến chứng về mắt gây giảm thị lực, mù lòa; đột quỵ tim, đột quỵ não; Hoại tử ngọn chi, biến chứng thần kinh ngoại vi, hôn mê do đái tháo đường; khả năng liền các vết thương kém, tăng nguy cơ nhiễm trùng do suy giảm sức miễn dịch… Đây là những biến chứng do tăng đường máu lâu ngày không được kiểm soát, tình trạng thiểu dưỡng vi mô gây nên tình trạng tổn thương các tế bào ở mức vi thể như các vi mạch máu là căn nguyên của hàng loạt các biến chứng.


Mặc dù bệnh ĐTĐ gây ra những biến chứng nặng nề, nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm từ giai đoạn tiền ĐTĐ thì có thể can thiệp dự phòng ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển trở thành bệnh ĐTĐ. Hoặc khi đã được chẩn đoán ĐTĐ, cần kiểm soát tốt đường huyết thì vẫn có thể ngăn ngừa tiến triển các biến chứng. Điều đó phụ thuộc một phần vào sự tư vấn và biện pháp điều trị của bác sĩ còn phần lớn phụ thuộc vào hành vi thay đổi lối sống của bệnh nhân. Các thay đổi đó bao gồm chế độ ăn, chế độ luyện tập, sử dụng thuốc và khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Biện pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả

Bệnh ĐTĐ là bệnh lý mạn tính, hiện tại không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị bệnh chính là kiểm soát chỉ số HbA1c (<6,5% ) và chỉ số đường huyết về mức an toàn (từ 4,4 – 6,4mmol/l hay 70 – 100mg/dL) để ngăn ngừa các biến chứng do ĐTĐ gây ra. Để đạt được các chỉ số an toàn, bệnh nhân cần thực hiện các bước như sau:

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống hợp lý là một trong các cách kiểm soát được lượng đường huyết tốt nhất. Nhịn ăn hoặc chế độ ăn quá kiêng khem hà khắc không phải là cách tốt để kiểm soát đường huyết. Bệnh nhân ĐTĐ phải ăn đủ, nhưng chia lượng thức ăn ra nhiều bữa nhỏ để cơ thể không cảm thấy quá đói. Vì khi đói, người bệnh sẽ cần phải nạp thêm một lượng lớn năng lượng cho cơ thể, điều này sẽ gây tăng đường huyết. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa, các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh hoặc chế biến sẵn. Nên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, rau củ, các loại đậu như đậu nành; các thực phẩm nguyên hạt như ngũ cốc; các thực phẩm bổ sung protein ít béo như trứng, cá, sữa…

"Bệnh nhân ĐTĐ phải ăn đủ, nhưng chia lượng thức ăn ra nhiều bữa nhỏ để cơ thể không cảm thấy quá đói. Vì khi đói, người bệnh sẽ cần phải nạp thêm một lượng lớn năng lượng cho cơ thể, điều này sẽ gây tăng đường huyết."

Uống đủ nước và hạn chế các chất kích thích: Uống đủ nước mỗi ngày và hạn chế các loại đồ uống có cồn như rượu, bia và các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào… Vì đây là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết, giảm sức đề kháng của người bệnh, gia tăng nguy cơ biến chứng ĐTĐ.

Chế độ luyện tập: Chế độ tập vừa sức, hợp lý dựa trên chỉ dẫn của bác sĩ giúp giảm cân, tiêu hao năng lượng dư thừa… cũng là cách kiểm soát đường huyết tốt.

Để sống vui, khỏe với bệnh ĐTĐ

Cùng với việc điều trị ổn định đường huyết, một mục tiêu quan trọng của điều trị ĐTĐ là đưa người bệnh về cuộc sống gần như người bình thường. Do đó, việc điều trị không đơn giản chỉ là kê toa thuốc của bác sĩ mà còn cần sự hỗ trợ về mặt xã hội, của gia đình người bệnh. Người bệnh ĐTĐ vẫn có được chất lượng cuộc sống tốt khi biết cách để bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của mình.
Tạo ra niềm vui trong cuộc sống: Nhiều bệnh nhân ĐTĐ luôn căng thẳng vì phải thực hiện một chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt. Nhưng hướng dẫn điều trị mới hiện nay thì không thực phẩm nào là kiêng tuyệt đối với người bệnh ĐTĐ. Chỉ có những món ăn, thực phẩm cần hạn chế nhằm kiểm soát đường huyết, cân nặng, mỡ máu của mình tốt hơn. Do vậy, thỉnh thoảng người bệnh vẫn có thể cho phép mình thưởng thức một món ăn yêu thích. Tuy nhiên, cần phải tự biết kiềm chế để chỉ ăn, uống ở mức độ vừa phải, cân đối với các món ăn khác, không nên lạm dụng các thực phẩm mà bác sĩ đã khuyên nên hạn chế. Người bệnh ĐTĐ có thể lựa chọn một môn thể thao yêu thích, vì việc luyện tập vừa tốt cho sức khỏe, vừa không có cảm giác bị ép buộc khi phải tăng cường vận động. Việc tự chăm sóc bản thân bằng cách làm đẹp, giữ gìn vóc dáng... là những phương pháp thư giãn tốt, giải tỏa căng thẳng.

Chăm sóc người khác: Một trong những cách để cảm thấy mình sống có ý nghĩa là giúp đỡ người khác. Chăm sóc những người thân trong gia đình hoặc tham gia những nhóm sinh hoạt chung như câu lạc bộ ĐTĐ hoặc tham gia các nhóm hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nặng. Ở đó, bạn có thể tìm được niềm vui khi giúp đỡ những người khác, tìm hiểu và chia sẻ quá trình điều trị bệnh và cách giữ gìn sức khỏe.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên phòng ngừa biến chứng

Không căng thẳng với việc theo dõi: Đừng tự đặt gánh nặng lên bản thân về việc điều trị và theo dõi bệnh. Nên coi việc học cách tự sử dụng máy thử đường huyết mao mạch, cách tiêm insulin hoặc cách lựa chọn thực phẩm, phối hợp các nhóm thực phẩm khi ăn kiêng là những việc làm giúp ích cho bản thân và không làm phiền đến người khác. Tìm hiểu về cách tự điều chỉnh đường huyết qua chế độ ăn, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi làm được như vậy, người bệnh sẽ thấy mình chủ động, đồng thời tự mình đóng góp phần lớn vào hiệu quả của điều trị.

Duy trì đời sống tình dục: Suy giảm khả năng tình dục cũng là một biến chứng của bệnh ĐTĐ. Nhưng tình dục lại là một phần quan trọng của cuộc sống. Nếu người bệnh gặp khó khăn về vấn đề này thì đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ để có được tư vấn về chế độ sinh hoạt, liệu pháp điều trị phù hợp cải thiện vấn đề này. Đồng thời cũng nên chia sẻ với bạn đời để nhận được sự cảm thông. Suy giảm khả năng tình dục có nguyên nhân từ chính sự lo âu, căng thẳng thái quá đối với bệnh. Khi giải thoát khỏi sự căng thẳng thì sẽ cải thiện được khả năng tình dục.

Giữ các mối quan hệ xã hội: Không có rào cản nào đối với người ĐTĐ trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Người bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể có cuộc sống, sinh hoạt như người bình thường: Vẫn làm việc và tham gia các bữa tiệc, các cuộc đi du lịch... Chỉ cần lưu ý đối với các bữa tiệc cần kiểm soát mình trước các món ăn, đặc biệt là rượu, bia... để không bị ăn uống quá đà. Khi đi du lịch cần trang bị đầy đủ các thuốc và dụng cụ cần thiết.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục