TS Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tại hội nghị, học viên được các chuyên viên Thanh tra tỉnh truyền đạt những điểm mới và thay đổi của Luật tố cáo số 25/2018/QH14. Theo đó, khoản 1 Điều 25 Luật Tố cáo 2018 nêu rõ: Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của luật này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của luật này.
Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 điều này có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố cáo, nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc thông báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Tại hội nghị, học viên còn được truyền đạt về những điểm mới của Luật Phòng Chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội. Một trong những điểm mới của Luật này là quy định hành vi tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp (để giải quyết công việc của doanh nghiệp vì vụ lợi) cũng bị coi là tham nhũng (khoản 2 Điều 2). Ngoài ra, Điều 10 Luật này còn bắt buộc các cơ quan, tổ chức phải công khai, minh bạch về chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công viên chức, người lao động; việc sử dụng tài chính công, tài sản công; công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người lãnh đạo.
Huy Hoàng