CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 23:17 27/06/2019 (908)

Những trạng thái trầm cảm sau sinh và cách xử trí

Gần đây người ta nói nhiều đến trầm cảm sau sinh, theo Hội Tâm thần học Mỹ, trầm cảm sau sinh thường gặp ở 8-15% sản phụ.

Để hiểu rõ trầm cảm sau sinh là gì, việc nhận biết, phòng tránh, điều trị cho những phụ nữ có trầm cảm sau sinh là điều rất cần được quan tâm. Vì hậu quả của trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sản phụ, đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, trầm cảm sau sinh có thể gây trở ngại cho sự liên kết giữa mẹ và con, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về rối loạn hành vi, chậm phát triển về tâm thần trí lực khi trẻ lớn lên.

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh

Hiện tại chưa có một bằng chứng nào xác định chắc chắn tại sao một số phụ nữ lại bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh và những phụ nữ khác lại không bị. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến trầm cảm sau sinh được xem xét trên một số nguyên nhân chính như: Sự thay đổi mạnh nồng độ các hormon estrogen và progesterone sau khi sinh; Sự mệt mỏi về thể lực và tinh thần đi kèm theo là sự thiếu ngủ sau sinh; Sự thay đổi trách nhiệm và vai trò của bản thân sau sinh. Những vấn đề liên quan đến giới tính của trẻ, sự thiếu quan tâm của gia đình. Hay việc từ bệnh viện về nhà cũng có thể làm tăng cảm giác không an toàn đối với một người mới sinh; Những sản phụ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.


Tập thể dục trước và sau sinh giúp mẹ giảm trầm cảm.

Diễn biến tâm sinh lý và trạng thái trầm cảm ở phụ nữ sau sinh  

Các nhà tâm thần học đã chỉ rõ trầm cảm sau sinh có thể là một quá trình trải qua các mức độ khác nhau, từ mức độ nhẹ đến nặng hoặc có thể tiến triển đến mức độ nặng tùy thuộc vào điều kiện của sản phụ. Nhẹ nhất là trạng thái khóc lóc và ủ rũ (hội chứng baby blues), trầm cảm sau sinh (Postpartum Major Depression) và cuối cùng là rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis).

Trạng thái khóc lóc và ủ rũ (baby blues)

Hội chứng baby blues ảnh hưởng trong một thời gian ngắn tới khoảng 30 - 80% các bà mẹ mới sinh. Hội chứng baby blues bao gồm các triệu chứng như: lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã. Các triệu chứng này thường kéo dài từ 3 - 10 ngày sau khi sinh con và kết thúc trong vòng hai tuần. Nhưng nếu những triệu chứng trên kéo dài hơn 2 tuần, hội chứng baby blues lúc này có thể đã chuyển sang hội chứng trầm cảm sau sinh.

Hội chứng baby blues không phải là bệnh và cũng không cần điều trị, chỉ cần sản phụ được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt; nhận được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, có điều kiện kết nối với những bà mẹ khác thì rất tốt. Cần tránh các loại thuốc gây nghiện, các chất kích thích vì những tác nhân này sẽ làm cho tâm trạng của những bà mẹ sau sinh tồi tệ hơn.

Hội chứng trầm cảm sau sinh (Postpartum Major Depression)

Hội chứng trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 10% ở các bà mẹ mới sinh, hội chứng này có xu hướng phát triển sau 3 tuần và thường có xu hướng kéo dài hơn. Trong đó, rối loạn cảm xúc (Mood Disorders) thể hiện rõ nét và kéo dài nhất. Các triệu chứng hay gặp như khóc, sự thiếu tập trung, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, cảm giác thiếu tự tin, buồn chán và có ý nghĩ tự tử. Ngoài ra, các triệu chứng tương tự như trong bệnh suy chức năng tuyến giáp cũng hay gặp, bao gồm: nhạy cảm với không khí lạnh, suy nghĩ chậm chạp, mệt mỏi, da khô, táo bón...

Những sản phụ có các triệu chứng của hội chứng trầm cảm sau sinh thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý (Psychotherapy), các thuốc chống trầm cảm (Antidepressants). Các liệu pháp trên có thể điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp tùy vào sự diễn biến tâm lý của các sản phụ. Nếu kiên trì và điều trị hợp lý, hội chứng trầm cảm sau sinh thường khỏi trong vòng 6 tháng. Một số trường hợp nếu không tuân thủ quy tắc điều trị của bác sĩ, bệnh sẽ tái phát và diễn biến bệnh sẽ kéo dài hơn và trở thành hội chứng loạn thần sau sinh (Postpartum Psychosis).

Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis)

Hội chứng này đôi khi còn được gọi là loạn thần sản khoa (puerperal psychosis) hoặc là trầm cảm loạn tâm thần sau sinh (postpartum psychotic depression), rối loạn tâm thần sau sinh thường gặp 1-2 trường hợp trên 1.000 phụ nữ. Hội chứng này dễ gặp hơn ở những phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt. Hầu hết các trường hợp sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi sinh và chiếm tỷ lệ cao nhất ở 1-3 tháng tiếp theo. Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh có thể xuất hiện sớm với các dấu hiệu như kích động, lú lẫn và có vấn đề về trí nhớ, hay cáu kỉnh, mất ngủ và lo lắng. Các triệu chứng muộn hơn của hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm: hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi bất thường và xa lánh mọi người, đặc biệt là không quan tâm hoặc gây tổn thương cho chính bản thân và đứa trẻ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với những người có hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh đòi hỏi bắt buộc phải được đưa đến các bệnh viện tâm thần hoặc các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để điều trị nội trú. Những bệnh nhân này sẽ được điều trị phối hợp các thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và các thuốc chỉnh khí sắc. Những bệnh nhân có hội chứng loạn tâm thần sau sinh nếu không đáp ứng với thuốc thì liệu pháp shock điện (Electroconvulsive therapy) sẽ được áp dụng nhằm kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)


Cùng chuyên mục