CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 16:19 10/09/2019 (744)

Cận thị học đường - Ứng phó thế nào?

Cận thị là tình trạng tật khúc xạ xảy ra phổ biến ở học sinh. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như: Môi trường ánh sáng yếu, tư thế ngồi học hoặc bàn ghế không phù hợp.

Đặc biệt tình trạng lạm dụng game online, nghiện smartphone ở cự ly gần trong thời gian dài cũng là một trong những nguy cơ gây các bệnh về mắt cho trẻ.

Phân loại cận thị

Có nhiều cách phân loại cận thị, thế nhưng cách phân loại phổ biến nhất là chia thành hai nhóm: Cận thị học đường và cận thị bệnh lý.

Cận thị học đường hay cận thị trên người trẻ (từ 8 đến 22 tuổi) bắt đầu hình thành đầu cấp II, tăng số dần theo năm tháng đi học, mỗi năm 0.5-1 độ, dừng lại khoảng 6 D. Cá biệt cũng có những trường hợp cận bệnh lý (cận thị thoái hóa): Có yếu tố di truyền, số kính tiếp tục gia tăng sau tuổi trưởng thành, cận đến 10 độ hoặc hơn, không thể đeo đúng số, nhiều biến chứng, thị lực khó đạt mức tối đa mặc dù đã cố gắng chỉnh kính.

Cách nhận biết

Với tốc độ gia tăng chóng mặt của cận thị hiện nay, các bậc phụ huynh luôn canh cánh bên lòng là con cái họ có thể bị cận thị. Chính họ là người mang con cái đến các phòng khám, đôi khi là nhờ phát hiện của các đợt khám sức khỏe tại trường. Phát hiện cận thị thường là do cha mẹ hoặc cô giáo, những người gần gũi nhất với trẻ, bản thân trẻ thường không ý thức được việc chúng bị cận thị, chúng tưởng ai cũng chỉ nhìn được như vậy.

Đa phần cận thị sẽ bộc lộ khi trẻ bước vào cấp II, sau một số năm học hành, trừ những trẻ có yếu tố di truyền rõ. Trẻ bị cận thị có những biểu hiện chung mà bản chất của những biểu hiện này là nhằm để cải thiện thị lực nhìn xa. Hay gặp nhất là trẻ có biểu hiện nheo mắt, nghiêng đầu, có xu hướng thích tiến gần đến nguồn tài liệu. Do loay hoay với việc khắc phục thị lực nhìn xa nên học tập kém tập trung, kết quả giảm sút do chép đầu bài không kịp, hỏi han bạn bè... Thời lượng học tập cũng không thể như trẻ bình thường, nhanh mỏi mắt, có thể dẫn tới đau nhức mắt và đau đầu.


Hình ảnh mắt bình thường và mắt cận thị.

Bác sĩ mắt sẽ làm gì?

Nhờ những khó chịu kể trên nên khi hỏi bệnh các bác sĩ đã có những định hướng quan trọng cho việc chẩn đoán. Bên cạnh đó cũng cần khám xét, đo lường bổ sung. Khẳng định cận thị không khó, trừ một số trường hợp giả cận thị hoặc cận thị gắn liền với các hội chứng bẩm sinh hoặc rối loạn chuyển hóa. Thông thường chỉ bằng việc thử thị lực, đo khúc xạ, thử kính thấy thị lực đạt tối đa là có thể kết luận trẻ có bị cận thị hay không. Các trường hợp khác cận thị kèm với loạn thị, cận thị giả, cận thị là một biểu hiện của hội chứng nào đó... sẽ phức tạp hơn, cần có bác sĩ chuyên khoa khám xét cẩn thận.

Một số trường hợp có thể gây bối rối, phân vân cho bác sĩ khi khám và kê đơn kính. Đó là trẻ không tập trung, nói dối, không hợp tác. Thông tin bị nhiễu loạn có thể gây khó khăn cho việc thử thị lực, thử kính. Thế nhưng với các bác sĩ hay chỉnh quang viên giàu kinh nghiệm, môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp thì những khó khăn trên không thành vấn đề. Người ta luôn có cách để cấp được kính chính xác cho trẻ.

Ứng phó ra sao?

Cho đến hiện nay đeo kính vẫn là phương thức điều trị chủ yếu, an toàn, thuận tiện và rẻ tiền. Kính tiếp xúc cứng đeo ban đêm, kính tiếp xúc cứng thấm khí, nhỏ atropine nồng độ thấp và phẫu thuật laser các loại vẫn chỉ là sự lựa chọn của thiểu số. Chủ yếu là do sự bất tiện, giá thành và độ kén chọn thân chủ của chúng.

Nhiều người cho rằng, khi mới phát hiện trẻ bị cận không nên cho đeo kính vì như vậy độ cận của trẻ sẽ bị tăng nhanh. Để trả lời câu hỏi trên người ta đã làm nghiên cứu hai nhóm đối chứng, nhóm có đeo và không đeo. Hàng năm có đánh giá lại tình trạng khúc xạ thì thấy đeo hay không đeo không ảnh hưởng đến độ gia tăng cận thị. Có một điều chắc chắn là, không đeo nhất định sẽ gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt, nhìn gần cường độ cao trong thời gian dài sẽ làm gia tăng số cận. Kính cận trên 3 đi-ốp và kính loạn thì phải đeo suốt ngày, trừ khi đi ngủ.

Theo dõi, phòng bệnh và tránh biến chứng

Thường 2 năm một lần bạn nên đi khám mắt định kỳ hoặc khi thấy bất kỳ khó chịu gì khi mang kính cũng nên đi khám. Kính cận có thể sẽ thay đổi số hàng năm. Bạn nên sắp xếp thời gian để khám mắt và thay kính. Đeo kính lần đầu cần có thời gian để làm quen, đừng nên sốt ruột hoặc hoảng hốt. Chỉnh gọng kính, sửa chữa nhỏ kính tuy không khó nhưng cũng cần có kỹ năng và phải qua đào tạo. Tùy số cận của trẻ, độ thỏa mãn khi dùng kính, tình trạng bệnh lý kèm theo mà các bác sĩ sẽ đặt lịch khám lại (tái khám) cho trẻ. Cận thị nhỏ hơn 6 D khoảng 1 năm khám 1 lần. Trên 6 D khoảng 6 tháng khám mắt 1 lần.
Cho trẻ học tập điều độ, kết hợp với vui chơi, hoạt động thể lực tích cực sẽ làm hạn chế gia tăng cận thị. Tuy nhiên dinh dưỡng cũng có vai trò quan trọng, dùng đủ vitamine A-C-E kèm theo các khoáng chất kẽm; selene; đồng được cho là hạn chế tăng số cận cùng với những thoái hóa do cận thị. Các yếu tố dinh dưỡng trên có nhiều trong rau xanh đậm, hoa quả màu đỏ, cá biển và một số loài nhuyễn thể.


Khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, có thể chỉnh số kính khi cần thiết.

Cách chọn kính mắt

Có rất nhiều loại thủy tinh và chất dẻo (plastic) được dùng để sản xuất mắt kính. Kính thủy tinh cho dù nặng nề hơn nhưng lại chống xước tốt hơn mắt kính plastic. Thế nhưng chỉ số khúc xạ của thủy tinh lại cao hơn plastic, do vậy kính thủy tinh nhìn nghiêng sẽ mỏng hơn kính plastic. Điều này giải thích cho đến nay, mắt kính thủy tinh vẫn bán chạy hơn mắt kính plastic. Một số nhà sản xuất còn có công nghệ riêng để sản xuất những mắt kính bằng thủy tinh loại có chỉ số khúc xạ cao, giảm bề dày của kính, hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn. Kính còn được nhuộm màu khi có yêu cầu. Người ta trộn các tinh thể màu halide bạc vào kính, tùy đậm độ khi gặp ánh sáng mặt trời kính sẽ chuyển màu sang màu xám, nâu.

Mắt plastic có trọng lượng chỉ bằng 50% của thủy tinh, hay trầy xước mặc dù gần đây đã được cải tiến nhiều. Tuy nhiên các nhà sản xuất cũng khắc phục nhược điểm đã sản xuất ra mắt kính bằng plastic chống xước tốt, ít bị mờ do đọng nước khi nhiệt độ thay đổi. Chất chống lóa được tráng lên mặt kính cho những khách hàng đặc biệt. Chất tạo màu kính cũng tương tự như kính thủy tinh.

Dinh dưỡng cũng có vai trò quan trọng, dùng đủ vitamine A-C-E kèm theo các khoáng chất kẽm, selene, đồng được cho là hạn chế tăng số cận cùng với những thoái hóa do cận thị…
Màu của mắt kính còn quan trọng để ngăn tia UV (tia tử ngoại) gây hại cho mắt. Ngoài ra để đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt của điều trị bệnh đáy mắt bệnh nhân sẽ được khuyên nên đeo kính màu phù hợp.

Cấu trúc của kính có thể khác do yêu cầu của bác sĩ. Kính một tròng, hai tròng, đa tròng, kính dẹt ở đỉnh, kính nghiêng, kính dầy dần đều... là những cấu trúc đặc biệt của mắt kính đáp ứng cho các đơn kính khá đặc biệt

Cách chọn gọng kính

Gọng kính có thể là nhựa, kim loại, hợp kim, hay nhựa lõi kim loại. Gọng kim loại thường nhẹ, bền, dễ điều chỉnh nhưng hay bị ăn mòn hoặc oxi hóa. Gọng nhựa đẹp hơn do nhiều hoa văn màu sắc, cứng và giòn hơn. Gọng nhựa cũ thường hay gãy vỡ có thể gây nguy hiểm cho người đeo

Gọng có 3 bộ phận: Vành mắt, cầu (bộ phận nối hai vành mắt), càng kính (đi ra sau để mắc vào tai), một số khớp và ốc vít. Chất liệu làm gọng kính đã được quy định là phải không gây kích ứng cho người dùng, không gây ung thư. Thế nhưng ở nước ta điều này rất khó thực hiện do không thể kiểm soát được nguồn kính và chất lượng kính.

Chăm sóc kính như thế nào?

Khi không dùng kính hãy để kính vào nơi cao ráo và an toàn. Kính có thể bẩn, do vậy bạn có thể làm sạch kính mà không gây trầy xước hay giảm tuổi thọ của kính:

- Có thể dùng nước xà phòng loãng, nước rửa bát sau đó lau bằng rẻ mềm, không dùng nước nóng để rửa kính.

- Kính nên được để trong hộp kính, có bọc vải mềm xung quanh.

- Khi tháo kính hãy dùng cả hai tay và nhẹ nhàng tháo kính ra.

- Không đặt kính theo chiều mắt kính tiếp xúc với mặt phẳng, để mắt kính lên phía trên để mắt kính khỏi xước.

- Tránh để kính ra nơi nắng quá, nóng quá đặc biệt là kính nhựa.

- Kính bẩn quá có thể phải tháo rời, phải dùng dung dịch rửa đặc biệt và máy rửa kính bằng siêu âm. Bạn hãy mang kính ra hiệu để làm việc này.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục