PV: Vừa qua, bọ chét là tác nhân khiến cho 158 người dân tại xã Thạch Khê (Thạch Hà) bị viêm da dị ứng, gây ra nhiều hệ luỵ về sức khoẻ, bác sỹ có thể cho biết rõ hơn về loại bọ chét này?
Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh: Trong ngày 22/3 vừa qua, tại thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, xuất hiện hàng loạt người dân bị viêm da dị ứng do côn trùng đốt, gây sẩn, ngứa, gãi xây xát da.
Lúc đầu, chỉ bị ở tay, chân, sau đó lan toàn cơ thể, dù gia đình đã đi khám điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ.
Nhiều người dân xã Thạch Khê bị bọ chét đốt gây sẩn, ngứa.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hà Tĩnh) đã tiến hành xuống tận cơ sở để kiểm tra, khảo sát và bắt loại côn trùng này. Qua quan sát thực tế, côn trùng có màu nâu đỏ, thân hình nhỏ như hạt gạo, có 4 chân, bám đậu khắp nơi kể cả trong nhà lẫn ngoài sân, vườn, bám vào động vật, người để cắn đốt. Ngay sau đó, chúng tôi đã gửi mẫu ra Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhằm xác định loài và khẳng định nguyên nhân. Theo kết quả từ cơ quan chuyên môn Trung ương thì đây là 1 loại bọ chét.
Bọ chét trưởng thành dài từ 1 đến 4 mm tùy theo từng loài, có thân dẹt theo hai bên, không có cánh, màu sắc của nó có thể thay đổi từ màu hơi nâu đến nâu đen, vàng tùy theo môi trường sống. Chu kỳ phát triển của bọ chét biến đổi hoàn toàn qua 4 giai đoạn.
Hình ảnh bọ chét. Ảnh internet.
Bọ chét cái đẻ trứng trong các ổ trên cơ thể vật chủ hay chỗ ở của vật chủ hoặc có thể ở trong các đống rác, mùn đất, các kẽ nứt của sàn nhà, tường nhà, khe hở của thảm trải nhà, hang động vật, tổ chim... Vì vậy, thường những vùng đất có động vật trú ngụ là môi trường sống đầu tiên của trứng để phát triển thành bọ chét. Vòng đời của bọ chét khoảng 20 đến 35 ngày phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường. Ở vùng miền Bắc, Bắc Trung bộ nước ta thì bọ chét phát triển nhiều vào tháng 2 đến tháng 4, khi thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân hè.
Bọ chét trưởng thành có tập tính tránh ánh sáng, phần lớn ẩn náu trong các đám lông tơ, lông vũ của động vật, ở giường ngủ, quần áo của con người... Nếu có điều kiện, bọ chét có thể chích đốt mọi lúc, cả ban ngày lẫn ban đêm. Khi có nhiều bọ chét chích đốt, ta có thể nhận biết được bằng sự xuất hiện dấu hiệu vết máu mà bọ chét không tiêu hóa hết được thải ra quần áo, giường chiếu.
PV: Vậy bọ chét mang đến những nguy hiểm như thế nào cho con người thưa bác sỹ?
Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh: Bọ chét là tên gọi chung cho loại côn trùng nhỏ không có cánh thuộc bộ Siphonaptera, sống ký sinh trên da vật chủ là các loài động vật có vú và chim để hút máu, là tác nhân truyền một số bệnh nhưng nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch, sốt phát ban, viêm da dị ứng, bội nhiễm... cho người và động vật.
Trong lịch sử bệnh dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra từ bọ chét chuột, 1/4 dân số châu Âu (gần 25 triệu người) đã bị cướp đi sinh mệnh, đây được coi là một trong những đại dịch chết chóc lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân.
Ngoài việc có thể là vật chủ trung gian truyền một số bệnh, các loài bọ chét chích đốt máu thường gây nên mối phiền hà cho con người như: mẩn ngứa, khó chịu. Nếu bị đốt nhiều có thể gây nên dị ứng và viêm da, những trường hợp phản ứng mạnh có thể thấy hiện tượng viêm tấy đỏ lan toả xung quanh hoặc do gãi ngứa gây bội nhiễm.
PV: Vậy, để phòng, chống bọ chét, bác sỹ có những khuyến cáo gì cho người dân?
Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh: Để ngăn ngừa những nguy hiểm do bọ chét gây ra, chúng ta có thể dùng một biện pháp hoặc phối hợp một số biện pháp để chống bọ chét như: loại trừ vật chủ chính của bọ chét, sử dụng hóa chất để xua diệt bọ chét và vệ sinh môi trường loại bỏ nơi trú ngụ của bọ chét.
Cán bộ y tế kiểm tra các vết đốt.
Thứ nhất là tăng cường việc diệt chuột bằng các phương pháp bẫy, bả để giảm nguồn vật chủ ký sinh của bọ chét. Điều cần chú ý là nếu chuột chết hàng loạt sẽ làm cho nhiều bọ chét chuột rời vật chủ, đi tìm người để đốt thay thế và truyền dịch bệnh.
Chính vì vậy, người dân cần đồng thời thực hiện các biện pháp diệt bọ chét trực tiếp như: sử dụng các loại hóa chất xua côn trùng bôi ngoài da, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ; dùng các loại hóa chất diệt côn trùng kết hợp. Đối với loài bọ chét truyền bệnh dịch hạch và sốt phát ban, có thể thực hiện biện pháp phun hóa chất diệt côn trùng vào nơi sống của chuột để diệt bọ chét chuột.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra, khảo sát thực tế tại thôn Phúc Thanh.
Thứ hai là thực hiện các biện pháp vệ sinh thường xuyên như: quét dọn, cọ rửa sàn nhà và giữ nhà sạch sẽ cũng có tác dụng loại bỏ bọ chét, trứng, ấu trùng và nhộng của nó. Dùng hóa chất diệt côn trùng trong trường hợp nhiễm bọ chét nặng bằng phun hóa chất diệt côn trùng vào các khe, kẽ, góc phòng nơi có mặt bọ chét và ấu trùng.
Đối với bọ chét chó và mèo có thể dùng hóa chất phun, tẩm, gội vào lông của chúng nhưng hết sức cẩn thận, tránh gây ngộ độc cho chó, mèo. Việc phòng, chống cần được lặp lại nếu thấy bọ chét nhiễm lại, nguồn gây nhiễm lại là những nơi mà động vật hoặc con người ngủ hoặc tiếp xúc nhiều như: giường, chiếu, chăn, màn... Nếu có thể thì nên đốt đi hoặc giặt bằng nước xà phòng hoặc tẩm hóa chất vào vải lót ổ cho chó, mèo.
Lực lượng chức năng tiến hành phun hoá chất diệt bọ chét.
Có thể dùng máy hút bụi để hút bụi trong đó có nhộng và ấu trùng bọ chét và sau đó dùng hóa chất diệt côn trùng để phun nhà cửa. Vì nhộng của bọ chét ít nhạy cảm với hóa chất hơn ấu trùng và con trưởng thành nên có thể phun nhắc lại 2 tuần/1 lần. Việc này nên thực hiện trong khoảng thời gian 2 tháng để đảm bảo tất cả bọ chét mới nở đều bị diệt.
Việc xử lý các ổ bọ chét không đơn giản, nhất là các khu vực dân cư đông đúc, khu vực chăn nuôi gia súc do cần hạn chế các tác dụng không mong muốn của các hóa chất gây ra cho người và vật nuôi. Chính vì vậy, người dân không nên tự mua hóa chất xử lý mà nên mời những người có chuyên môn phòng, chống côn trùng của y tế, thú y để xử lý triệt để và đảm bảo an toàn.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
Thu Hòa thực hiện: