TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Truyền thông GDSK 17:24 19/09/2023 (195)

Bác sỹ Hà Tĩnh cảnh báo sai lầm trong phòng chống và điều trị sốt xuất huyết

Thời gian qua dịch sốt xuất huyết(SXH) diễn biến phức tạp và gia tăng trên cả nước với trên 81 ngàn ca mắc, 23 ca tử vong. Tại Hà Tĩnh, chưa ghi nhận ổ dịch và không có ca tử vong do SXH, nhưng đã có trên 100 ca mắc SXH tại 11 huyện, thị, thành phố. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh nhận định, dịch SXH có thể bùng phát tại Hà Tĩnh trong thời gian tới nếu không có các biện pháp phòng chống và điều trị thích hợp.

Mặc dù Ngành Y tế đã tích cực triển khai các hoạt động từ tỉnh đến cơ sở cho công tác phòng chống dịch SXH, nhưng vẫn có một số người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian gần đây có hàng chục ca mắc SXH vào nhập viện điều trị, nhưng hầu hết đều tự mua thuốc điều trị ở nhà, đến khi bệnh nặng mới vào nhập viện điều trị.

Bác sỹ CKI Đặng Thị Lý, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Đặng Đình Hà

Bệnh nhân Đặng Đình Hà, 37 tuổi, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà bộc bạch: “Em làm việc tại Hà Nội, trong thời gian nghỉ lễ 2/9 em về quê, 3 ngày sau em có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ. Em tưởng là cảm cúm nên ra hiệu thuốc tây  mua thuốc điều trị ở nhà. Sau khi uống được 2 ngày em cảm thấy mệt hơn, không hạ được sốt, em đến bệnh viện tỉnh khám mới biết là bị SXH. Đến đây được cán bộ y tế chăm sóc tận tình, chu đáo, nay được 6 ngày rồi, giờ em thấy khỏe hơn nhiều”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH tại xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh.

Với SXH, việc phát hiện sớm và điều trị đúng là rất quan trọng và việc tuân thủ tái khám đúng hẹn khi hết sốt cũng rất quan trọng, bởi có trường hợp khi giảm sốt thì có tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu, sốc, rất nguy hiểm. “Trước diễn biến thời tiết mưa, nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi SXH đẻ trứng và phát triển. Vì thế, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH, người dân cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế; tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà”, Bác sỹ CKI Đặng Thị Lý, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ.

Cán bộ y tế phun diệt khuẩn phòng dịch sốt xuất huyết.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, thông thường dịch SXH sẽ bắt đầu tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh vào khoảng tháng 10, 11. Hiện nay, các hoạt động phòng, chống SXH đang được các địa phương triển khai thực hiện với nhiều biện pháp hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập trong triển khai, thực hiện.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh nhận định: “Đặc điểm sinh thái của muỗi Aedes(muỗi vằn) truyền bệnh SXH là đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và xung quanh nhà như: lọ hoa, bể chứa nước, dụng cụ phế thải chứa nước mưa. Trong khi đó, nhiều người vẫn hiểu chưa đúng về đặc điểm sinh thái của muỗi Aedes, hoặc hiểu muỗi truyền SXH chủ yếu ở ruộng mương, cống rãnh, khu vực nước bẩn… nên chưa biết phương pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, vì vậy người dân lại thường quét dọn sân nhà, đường phố. Do việc vệ sinh môi trường chưa đúng cách, đúng đối tượng nên chưa diệt được lăng quăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH”.

Qua các đợt kiểm tra, giám sát của Trung tâm CDC Hà Tĩnh, phần lớn người dân đã có ý thức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ gia đình có chậu, vỏ dừa, vỏ bia, chai, lọ chứa nước đọng có  nhiều lăng quăng, bọ gậy đã, đang và sắp nở thành muỗi… nguy cơ lây truyền bệnh SXH là rất lớn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra tại Lộc Hà.

Hiện nay SXH đang vào mùa, triệu chứng của bệnh dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế biến chứng của SXH thì khi có một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, sốt, đau đầu cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị trị kịp thời. Không được tự ý mua thuốc điều trị ở nhà.

SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, vì thế người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứngdiệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom các dụng cụ như chai, lọ, vỏ bia… chứa nước xung quanh nhà. Thực hiện phương châm: “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

Thanh Loan

Cùng chuyên mục