TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Truyền thông GDSK 15:01 05/10/2023 (165)

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng, chống kiến ba khoang

Vào thời điểm chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển nhất là kiến ba khoang. Hiện đã có nhiều người bị viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn, đặc biệt là kiến ba khoang. Với đặc điểm vết cắn của kiến ba khoang hơi giống với bệnh zona nên nhiều người dễ nhầm lẫn và tự ý bôi thuốc, đắp các loại lá cây không theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa khiến cho vết thương dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Th. Phường Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi và ông nhà tôi bị các nốt phòng rộp, sưng tấy ở tay và các vùng xung quanh mắt. Lúc đầu cứ nghĩ là bị zona và bôi thuốc chữa zona, nhưng sau một ngày vết thương nặng hơn, đi khám mới biết là không phải bệnh zona mà bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang”.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát kiến ba khoang tại hộ gia đình trên địa bàn phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh

 

Còn em Nguyễn Thị Mỹ D, xã Thạch Trung bộc bạch: “Xung quanh nhà em là cánh đồng ruộng lúa, nên thường vào mùa gặt dịp cuối tháng 9 thì xuất hiện kiến ba khoang bay vào nhà. Năm nay, xuất hiện nhiều, có 4 người trong gia đình em bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Nhờ đi khám và điều trị đúng thuốc nên bệnh của cả 4 người đã bớt nhiều”.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ trên toàn tỉnh, nhưng theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Y tế Thành phố, từ giữa tháng 9 đến nay trên địa bàn thành phố có khoảng gần 300 người dân và học sinh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.  

Bác sỹ da liễu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra tổn thương do kiến ba khoang cắn...

 

Bác sỹ Nguyễn Xuân Kháng, Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Nhận được thông tin từ người dân về tình trạng kiến ba khoang tấn công, gây viêm da dị ứng ở người tại một số chung cư và khu ký túc xá học sinh, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành giám sát xác minh và triển khai các biện pháp kiểm soát. Sau một ngày giám sát tại một số chung cư, trường học và nhà dân đã phát hiện kiến ba khoang và xác kiến ba khoang ở xung quanh nhà, khu vực hành lang. Qua giám sát, chúng tôi đã tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh bảo vệ bản thân và những người thân trong gia đình. Đồng thời hướng dẫn người dân phun hóa chất diệt côn trùng, vệ sinh khu vực mình sinh sống…”.

....và tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, tránh kiến ba khoang

 

Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Kiến ba khoang là loài côn trùng có màu là các khoang đen - vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm; kiến có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn, bay và chạy rất nhanh. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh zona nên tự ý bôi thuốc, đắp các loại lá cây không theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa khiến cho vết thương dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm. Vì vậy, khi có một trong các biểu hiện như: phồng rộp, sưng tấy thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không được chỉ định để tránh tình trạng bội nhiễm khiến quá trình điều trị kéo dài, để lại sẹo mất thẩm mỹ.

Hình ảnh kiến ba khoang, ảnh internet

 

Đề phòng kiến ba khoang bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. Ngủ trong màn; tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, cần thực hiện một số bước sau: Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết. Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các Trung tâm Y tế địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.


Thanh Loan

Cùng chuyên mục