TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Kiểm soát dịch bệnh 16:29 03/11/2023 (271)

Hương Khê chủ động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ

Cùng với khắc phục hậu quả lũ lụt, công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường cũng được huyện Hương Khê gấp rút triển khai với phương châm “nước rút tới đâu, xử lý môi trường đến đó”.
Cán bộ y tế địa phương xử lý nguồn nước sạch sinh hoạt cho gia đình anh Đoàn Xuân Liệu, thôn 4, xã Phúc Đồng

 

Trong đợt mưa lũ vừa qua, căn nhà nhỏ của anh Đoàn Xuân Liệu (thôn 4, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê) bị ngập sâu gần 1 mét. Giếng nước sạch cũng chìm trong nước lũ, kéo theo đất bùn cùng vô số rác thải. Anh chia sẻ: “Nhà tôi ở vùng thấp nên trong những ngày mưa lũ nước đã vào nhà gần 1 mét, các giếng nước, chuồng trại, công trình vệ sinh bị ngập sâu, nhiều trang thiết bị , dụng cụ trong nhà bị hư hại do ngấm nước. Ngay khi nước rút gia đình tôi đã được cán bộ y tế xã đến tận nhà cấp phèn chua, hóa chất khử khuẩn nước sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn chi tiết các biện pháp xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại… nên đến nay gia đình đã có nước sinh hoạt và dọn dẹp sạch sẽ”.

Cán bộ y tế xã Hương Bình hỗ trợ người dân thu gom phế thải, vệ sinh môi trường sau lũ lụt

 

Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã Hương Bình, huyện Hương Khê có tổng cộng 135 hộ bị ngập lụt; 175 giếng nước, 155 chuồng gia súc chìm trong nước lũ. Do nước lũ rút chậm nên một số thôn trên địa bàn xã vẫn đang bị cô lập. Với phương châm “nước rút tới đâu, xử lý môi trường đến đó”, lực lượng y tế xã đã tập trung hướng dẫn người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt cho bà con.

Bác sỹ Trần Kim Tuấn, Trưởng trạm Y tế xã Hương Bình, huyện Hương Khê cho biết: “Ngay khi nước rút, trạm đã huy động cán bộ viên chức cùng y tế thôn và các đoàn thể địa phương phối hợp các gia đình tập trung xử lý. Trước mắt là ưu tiên nguồn nước sinh hoạt gia đình, đến nay cơ bản tất cả các gia đình đều có nước sạch sinh hoạt. Kèm theo đó triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường nhà cửa, vệ sinh chuồng trại.. để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, khống chế, không để các dịch bệnh xảy sau mưa lũ”.

Hiện tại tất cả các giếng nước trên địa bàn Hương Khê cơ bản được xử lý

 

Theo thống kê tại huyện Hương Khê, mưa lũ đã gây ngập 4.786 giếng nước, 3.629 căn nhà, 4.322 chuồng trại, một số trạm y tế bị ngập nước và hư hỏng tại xã Hương Đô, Hương Thủy và Hòa Hải… Trung tâm Y tế Hương Khê đã  tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương ra quân xử lý môi trường, nước sinh hoạt ngay sau khi nước rút; chủ động tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường kịp thời cấp phát cho các địa phương và người dân. Đến nay, đã xử lý vệ sinh môi trường được 70-80% số giếng, chuồng trại nhiễm bẩn cho bà con.

Bác sỹ Nguyễn Trường Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết: “Hiện nay trung tâm đang quyết liệt chỉ đạo các trạm y tế xã, phối hợp nhân viên y tế địa phương xử lý nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường cho bà con nhân dân. Đồng thời triển khai vệ sinh môi trường các cơ quan công sở, trường học trên địa bàn để học sinh sớm trở lại học tập và làm việc bình thường. Đối với một số hộ gia đình nước chưa rút hết, trung tâm tiếp tục chỉ đạo địa phương phối hợp với gia đình theo dõi với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, xử kịp thời thời nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân”.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh cùng đoàn giám sát, hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt cho bà con Nhân dân tại xã Lộc Yên

 

Ngay khi nước bắt đầu rút, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có mặt kịp thời tại địa phương chỉ đạo, giám sát công tác vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Đồng thời hỗ trợ địa phương một số hóa chất Cloramin B, viên khử khuẩn nguồn nước Aquatap để cấp phát cho nhân dân vùng ngập lụt.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh: “ “Sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, nhất là các dịch bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh ngoài da… Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện cẩn tập trung lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương, trạm y tế xã xử lý nước sinh hoạt cho người dân ngay sau khi nước rút; chú trọng các công trình vệ sinh, các khu vực chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình. Đối với người dân cũng cần tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế để phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt”.

Nhật Thắng

Cùng chuyên mục