CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 08:15 27/05/2025 (25)

Vệ sinh môi trường, xử lý nước sinh hoạt và phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Ngày 26/5, Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cùng đoàn đi giám sát, triển khai công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước sinh hoạt và phòng, chống các dịch bệnh sau mưa lũ tại một số xã ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.

Hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt tại huyện Cẩm Xuyên

Trong đợt mưa lũ vừa qua huyện Cẩm Xuyên có nhiều xã bị ngập sâu. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có trên 2.900 hộ bị ngập lụt; trên 2.700 công trình vệ sinh bị ngập lụt; trên 1.300 giếng nước, bể nước bị ngập.

Còn tại huyện Kỳ Anh có 01 thôn của xã Kỳ Văn với 320 hộ gia đình bị ngập nước vào nhà đồng thời làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh hỗ trợ hóa chất Cloramin B cho Trạm Y tế xã Cẩm Mỹ.

...Trạm Y tế xã Cẩm Thạch...

và Trạm Y tế xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên.

Qua giám sát tại các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch, Cẩm Duệ huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Văn huyện Kỳ Anh lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Hà Tĩnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện nhanh chóng chỉ đạo và cử cán bộ Trung tâm cùng với các trạm y tế tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân bị ngập lụt vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước để phòng chống nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan. Việc phân bổ hóa chất phải ưu tiên tập trung cho các khu vực đang sử dụng nước mưa, nước giếng.

Hướng dẫnn xử lý nước sinh hoạt cho người dân tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh

Theo rà soát sơ bộ, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ dân bị ngập, trên 3.700 công trình vệ sinh, trên 2.200 giếng nước bị ngập. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành vệ sinh môi trường theo phương châm "nước rút tới đâu vệ sinh tới đó".

và hỗ trợ hóa chất Cloramin B cho trạm Y tế xã để xử lý nước sạch cho Nhân dân.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, trung tâm đã tiến hành cấp phát 1.400kg hóa chất Cloramin B cho các địa phương và cử lực lượng phối hợp với các trung tâm y tế vừa tiến hành hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường vừa giám sát dịch bệnh. Giải pháp cấp bách hiện nay là người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, công trình vệ sinh bằng hóa chất cloramin B. Các địa phương bị ngập úng phải thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xác động vật chết tại các khu vực bị ngập để xử lý và tiêu hủy đúng quy định; chủ động phun thuốc khử trùng tại các công sở bị ngập, khu vực chợ, trường học và các địa điểm tập trung đông người.

Nhật Thắng

10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;

7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất. 

Cùng chuyên mục