CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 01:42 19/03/2019 (942)

Cách nhận biết và phòng tránh bệnh sán lợn theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Tính đến 21 giờ ngày 17/03/2019 đã ghi nhận có 209 trẻ em tại Bắc Ninh dương tính với sán lợn gạo. Hiện nay, theo ước tính đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng do quá tải số ca xét nghiệm các trường hợp thuộc diện có nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là cách nhận biết và phòng tránh bệnh sán lợn theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Bệnh sán lợn là gì? 

Bệnh sán lợn (hay còn gọi là lợn gạo, sán lợn gạo), bệnh sán dây gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.



Cách nhận biết và phòng tránh bệnh sán lợn theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Bệnh sán lợn là do người bệnh ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ.

Bệnh sán lợn có thực sự nguy hiểm?

Khi người bệnh mắc phải thì ấu trùng sán lợn gạo từ đường tiêu hóa, theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội.

Nếu nang sán nằm trong mắt hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Triệu chứng nhiễm sán lợn

Triệu chứng nhiễm sán lợn không rõ rệt. Bệnh chủ yếu gây những triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, ...

Người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Nếu sán làm tổ trong não sẽ gây ra hiện tượng co giật và kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng về sau. Còn với trẻ em sẽ làm ảnh hưởng tới vấn đề học tập và khả năng phát triển của não bộ, đồng thời cũng có thể gây ra những cơn co giật, ngất xỉu đột ngột.

Cách để phát hiện ấu trùng sán lợn ở não, ở cơ thì phải làm một số xét nghiệm dưới da hoặc chụp cộng hưởng từ, CT não để phát hiện bệnh. Người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh lây lan ra cộng đồng.

7 cách phòng tránh bệnh sán lợn theo khuyến cáo của Bộ Y tế 

Để phòng tránh bệnh sán lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm, phải tuân thủ quy tắc: “ăn chín, uống sôi”, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. 

Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (do nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành); không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (do có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Không nuôi lợn thả rông.

(Nguồn: vinmec.com)


Cùng chuyên mục