CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 15:37 17/09/2019 (886)

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Whitmore không phải là bệnh hiếm, không gây ra dịch

Thời gian gần đây liên tiếp phát hiện ra nhiều ca bệnh Whitmore khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm VN, bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người song với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động.

Có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương.

"Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2- 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện"- GS. Kính thông tin. 

Theo Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Đơn cử như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi - virus này gây ra tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu, của bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán.


GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Liên Hà - Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh Whitmore có diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Trong số các ca mắc bệnh Whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa số bệnh nhân này có nguy cơ có biến chứng sốc nhiễm khuẩn và có thể tử vong.

Ở trẻ chẩn đoán tương đối dễ hơn bởi thường có biểu hiện là sưng tuyến mang tai, nhiễm khuẩn huyết, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh...nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp có thể gặp ở phổi, cơ, bàng quang... 

Theo các bác sĩ, quá trình điều trị cho bệnh nhân Whitmore lại hết sức khó khăn do phải sử dụng kháng sinh tấn công liều cao trong ít nhất khoảng 2 tuần và sau đó duy trì tiếp tục từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong. 

Không lây từ người sang người

Có ý kiến cho rằng Whitmore là bệnh hiếm, bệnh lạ, bệnh quay lại sau nhiều năm vắng bóng. Về vấn đề này, chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, bệnh Whitmore không phải là hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn" vi khuẩn luôn có trong bùn đất nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh.


Hình ảnh cánh mũi bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore tấn công.

Tuy nhiên phải nhấn mạnh, bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Do đó, với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất cần có các dụng cụ bảo hộ lao động. Đặc biệt đối với người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động. 

Đối với bệnh Whitmore, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh phải dựa vào các yếu tố vi sinh vật học như bộ KIT giúp chẩn đoán bệnh Whitmore tốt hơn từ đó phát hiện được nhiều ca bệnh. 

Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Do đó những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. 

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. 

Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh, và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn. 
Theo: Báo SKĐS






Cùng chuyên mục