CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 21:39 24/08/2020 (487)

Mùa cao điểm sốt xuất huyết, người dân Hà Tĩnh cần chủ động bảo vệ mình

Theo nhận định của ngành Y tế Hà Tĩnh, đây là thời gian cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết (SXH) nên đòi hỏi người dân nêu cao ý thức phòng dịch.

Cán bộ Trạm Y tế Cẩm Thành, Cẩm Xuyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nghi SXH.
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận gần 27 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 58 tỉnh, thành phố; một số địa phương đã có ca tử vong như: Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay có 18 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 trường hợp ở xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh), số còn lại rải rác tại huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Hương Khê. 
Hầu hết các bệnh nhân SXH đã được chữa khỏi bệnh, chỉ còn 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. 
Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết: “CDC Hà Tĩnh đã tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch ngay từ khi xuất hiện các trường hợp mắc sốt đầu tiên để ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng. Đơn vị đã chỉ đạo các trung tâm y tế phối hợp với các ban, ngành cấp xã, thôn triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ; hướng dẫn người dân ra quân thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, xử lý lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, thả cá rô vào bể chứa nước sinh hoạt và đi ngủ mắc màn phòng muỗi đốt...".

Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh kiểm tra thực tế tại ổ dịch thôn Tân Thành (Kỳ Nam) ngày 5/7/2020.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia y tế, đỉnh dịch thường rơi vào từ tháng 9 đến tháng 11, do đây là thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh SXH. Mặt khác, nhiều tỉnh lân cận đang có dịch bùng phát và ngay tại tỉnh ta hiện còn rải rác các ca mắc SXH.
Vì vậy, nếu không có các giải pháp phòng dịch quyết liệt thì nguy cơ dịch SXH quay trở lại và bùng phát tại một số địa phương là rất lớn.

Các bộ Trung tâm CDC hướng dẫn bắt lăng quăng, bọ gậy truyền bệnh SXH tại thị trấn Hương Khê.
Hiện nay, SXH chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó, người dân cần chủ động bảo vệ mình để hạn chế mức độ nguy hiểm của bệnh.
Cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy; rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.


Nếu bị SXH mà không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng nặng của SXH bao gồm: thoát huyết tương nặng dẫn đến giảm khối lượng tuần hoàn gây sốc mất máu, chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho các mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút; suy gan, tim, thận; rối loạn tri giác; viêm cơ tim.

Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Trần Duy




Cùng chuyên mục