Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm.
Do người mẹ thiếu sữa hoặc trẻ bị cai sữa sớm nên phải ăn những thức ăn không thích hợp như ăn bột sớm, bột đặc, ăn nhiều hoặc các thành phần protein, lipit, cacbonhydrat… trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ; Do dinh dưỡng không tốt dẫn đến tiêu chảy; Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi; Do vi khuẩn tại ruột: Các vi khuẩn này gây bệnh qua thực phẩm và các dụng cụ cho trẻ ăn, uống. Bệnh cũng có thể lây qua bàn tay bẩn ở những người phục vụ trẻ. Các vi khuẩn thường gặp là trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn; Do nhiễm khuẩn ngoài đường ruột: trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị sởi hay ho gà.
Ngoài ra những yếu tố thuận lợi gây bệnh tiêu chảy cấp do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy và bệnh sẽ kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.
Biểu hiện tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn ở trẻ.
Biểu hiện của bệnh
Tiêu chảy cấp (TCC) xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần.
Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do Rotavirus hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải. Biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc sau khi trẻ bị tiêu chảy nhiều ngày. Trẻ thường chán ăn, chỉ thích uống nước.
Trẻ hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật, hoặc mệt lả nằm li bì. Có thể trẻ còn bị khóc do nhiễm khuẩn.
Những biến chứng thường gặp của TCC
Tiêu chảy nếu không được bù nước kịp thời và đủ nước gây mất nước nặng sẽ làm trẻ kiệt nước, gây truỵ mạch có thể gây tử vong; Suy thận cấp cũng có thể gây tử vong; Suy dinh dưỡng do trẻ ăn ít trong thời gian bệnh.
Ngay khi phát hiện trẻ bị TCC cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, uống dung dịch oresol để bù nước. Theo dõi sát sao việc đi cầu của trẻ bao gồm số lần đi cầu, tình trạng phân, số lượng phân mỗi lẫn và biểu hiện của trẻ. Nếu số lần đi cầu ngày càng nhiều kèm theo việc trẻ không ăn uống, môi khô, sốt cao, nôn, mặt tái nhợt, người lả đi... cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Những sai lầm phổ biến khi điều trị TCC
Bệnh TCC ở thể nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, có không ít người do chưa thực sự hiểu rõ về bệnh nên đã có những phương pháp điều trị sai lầm, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, đặc biệt là tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Không cho trẻ uống nước vì sợ trẻ tiêu chảy nhiều hơn: Nước không làm cho tình trạng TCC trở nên nặng hơn. Nguyên nhân đi cầu là do ruột bị kích thích và tăng dịch ruột, không liên quan gì đến việc bổ sung nước. Ngược lại, việc đi ngoài liên tục khiến cơ thể bị thiếu nước trầm trọng, cần bổ sung nước để tránh bị kiệt nước. Nên cho trẻ uống nhiều nước và uống oresol để tránh bị kiệt nước. Cho trẻ uống nhiều điện giải, nước hoa quả, ăn nhiều trái cây sẽ giúp trẻ cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn.
Cho trẻ uống các thuốc cầm tiêu chảy: Không được uống các thuốc cầm tiêu chảy như: nước đọt ổi non, nước sắc vỏ măng cụt, các loại thuốc cầm tiêu chảy (cồn Paregoric, viên mangostana, viên imodium) vì sẽ làm tích tụ vi khuẩn, virus và chất độc lại trong ruột. Đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất khi điều trị TCC. Nhiều cha mẹ tự ý ra hiệu thuốc mua các loại thuốc cầm tiêu chảy về cho trẻ uống. Điều này rất nguy hiểm. TCC là do đường ruột bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Việc đi cầu nhiều lần là phản ứng của cơ thể nhằm đào thải các chất độc, vi khuẩn đó ra ngoài. Sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy sẽ cản trở quá trình tự đào thải của cơ thể.
Hơn nữa, các loại thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm giảm nhu động ruột khiến phân không thải ra ngoài được. Nghĩa là thực chất trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng lại không đi cầu để thải phân ra ngoài. Phân dồn ứ lại trong ruột sẽ khiến trẻ bị đau bụng, viêm ruột, tắc ruột, thậm chí là tử vong.
Không sử dụng kháng sinh nếu không có sốt hoặc có bằng chứng nhiễm trùng (phân có nhầy, máu).
Không cho trẻ bệnh ăn, uống hoặc kiêng cữ quá mức chỉ cho ăn cháo muối.
Cần làm gì để phòng TCC do nhiễm khuẩn?
Tiêu chảy nói chung là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở nhiều vùng trên thế giới trong đó có Việt Nam, do vậy cần hết sức quan tâm đến việc tuyên truyền cho mọi người dân có ý thức trong việc giữ vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm; Bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, trong và sau khi chế biến; ăn chín, uống sôi; Tạo lập thói quen rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh; Quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường. Trong thời điểm nhiều nơi đang bị mưa bão như hiện nay, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là việc làm hết sức cần thiết để phòng tránh dịch bệnh.
Theo Báo SK&ĐS