CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 17:58 24/05/2021 (2876)

“Phòng, chống bệnh giun ở trẻ em”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 25% dân số bị nhiễm giun, chủ yếu ở các nước kém phát triển vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiễm giun thường không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, gầy yếu chậm lớn, ảnh hưởng đến trí tuệ và tinh thần.
Tại Hà Tĩnh, theo số liệu điều tra năm 2018 của Viện Sốt rét Trung Ương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, tỷ lệ trẻ em bị nhiễm giun chiếm khoảng 10% trong tổng số 1.358 trẻ, trong đó chủ yếu là giun đũa và giun kim. Đặc biệt gần đây có một số trẻ em bị nhiễm giun đũa chó mèo.

Chu kỳ tái nhiễm của giun giữa môi trường xung quanh

Bs. Đoàn Văn Thịnh – Phụ trách khoa Kí sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: nguyên nhân chính gây ra bệnh giun là do giun sống trong ruột người, hàng ngày đẻ ra rất nhiều trứng, trứng theo phân người ra ngoài đất phát triển rồi quay lại nhiễm bệnh cho người khác và cho chính mình. Đường lây nhiễm giun đũa, giun tóc chủ yếu là qua đường miệng do chúng ta ăn phải thức ăn bẩn. Khi vào miệng chúng nở thành giun non. Nhờ hút các chất bổ ở ruột người, chúng phát triển thành giun trưởng thành rồi lại đẻ trứng. Đường lây nhiễm giun móc chủ yếu qua da do trứng giun khi ra ngoài đất nở thành ấu trùng, ấu trùng này chui qua da khi tiếp xúc trực tiếp với đất (như đi chân đất, tay nghịch đất hoặc ngồi lê la trên đất.....). Đôi khi ấu trùng cũng theo rau sống hoặc tay bẩn có dính đất qua miệng vào cơ thể. Khi đã bị nhiễm trứng giun có ấu trùng vào cơ thể, trứng giun chu du qua một số bộ phận trong cơ thể sau đó đến ruột, trứng nở thành giun sinh trưởng và phát triển sau đó ra ngoài theo phân.
Trẻ em thường hiếu động hay bò chơi trên sàn nhà rồi lại mút tay, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại như giun đũa, giun đũa chó mèo, giun kim. Ở các vùng nông thôn, nhất là các vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi cho nguồn lây nhiễm giun, do đó trẻ có thể nhiễm cả giun móc, do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Thông thương trẻ em thường hay bị nhiễm 4 loại giun phổ biến đó là giun đũa, giun tóc, giun móc và giun kim. Giun đũa: Sống và ký sinh tại ruột non, có chiều dài 20-25cm to bằng chiếc đũa, đuôi nhỏ có mầu trắng đục, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài thành ấu trùng giun. Người nuốt phải ấu trùng giun trong đất, cát vào cơ thể sẽ trở thành giun. Trong quá trình ký sinh trong ruột non của người, giun đũa gây tắc ruột, có thể chui vào ống mật, túi mật gây đau đớn cho bệnh nhân, thậm trí chui vào gan gây áp xe gan…Giun tóc: Sống ký sinh tại manh tràng, hình sợi tóc có màu hồng nhạt hoặc trắng sữa; nếu nhiễm giun tóc nhẹ chỉ đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, nhức đầu, chán ăn. Nếu nhiễm nặng và kéo dài có thể gây ra sa trực tràng, gây thiếu máu. Giun móc: Sống và ký sinh tại tá tràng, có màu trắng sữa hoặc hơi hồng, giun móc có các móc mấu vào niêm mạc tá tràng để hút máu, ở chỗ hút máu giun móc tiết ra chất chống đông máu làm cho vết thương chảy máu liên tục, dẫn đến tình trạng thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt, chóng mặt, trẻ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng…Giun kim: Sống và ký sinh tại đại tràng, có màu trắng sữa, nhỏ như kim khâu mắt thường nhìn thấy được, có kích thước 9-12mm. Trẻ bị nhiễm giun kim thường hay mất ngủ, bứt rứt bồn chồn. Đặc biệt là ngứa hậu môn, nguyên nhân là do giun kim cái về đêm thường ra ngoài hậu môn đẻ trứng. Những lúc ngứa hậu môn nếu soi đèn có thể phát hiện giun kim ở quanh hậu môn. Nhiễm giun kim có thể gây nguy hiểm như viêm ruột thừa cấp do giun kim chui vào ruột thừa, có thể giun kim lạc chỗ gây viêm âm đạo ở trẻ em gái…
Theo Bs. Đoàn Văn Thịnh để phòng bệnh giun nên giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, nhất là đối với trẻ em. Cụ thể là: Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chơi đất, sau khi đi vệ sinh. Luôn cắt móng tay sạch sẽ và không mút móng tay. Luôn đi dày dép và không ngồi lê trên đất. Không ăn hoa quả chưa rửa sạch. Không ăn thức ăn chưa nấu chín. Không uống nước chưa đun sôi. Không đại tiện bừa bãi. Uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm.Vệ sinh nhà cửa, trường lớp sạch sẽ.

Tuấn Dũng








Cùng chuyên mục