CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 11:03 24/02/2025 (14)

Phòng chống dịch bệnh – thành tựu và những bài học kinh nghiệm

Xác định y tế dự phòng (YTDP) là then chốt, những năm qua hệ thống YTDP từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Tĩnh được triển khai ngày càng mạnh mẽ, chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, đã góp phần quan trọng cải thiện đáng kể các chỉ số về sức khỏe của người dân.

ThS Nguyễn Chí Thanh- Giám đốc CDC Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân mắc sởi tại Trung tâm y tế Đức Thọ

Năm 2024, dù không xuất hiện các loại dịch bệnh mới, nguy hiểm như COVID-19, song nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với số ca mắc lớn, nhất là dịch sốt xuất huyết, sởi, ho gà, chân tay miệng…

Với những nỗ lực vượt khó, ngành Y tế đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Có được những kết quả đó là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, sự tập trung cao, bám sát địa bàn của các đơn vị chuyên môn, sự thống nhất, phối hợp của các địa phương trong công tác phòng chống dịch và triển khai các hoạt động của ngành y tế.

Do đặc thù về địa lý, điều kiện KT-XH và khí hậu, Hà Tĩnh luôn có nguy cơ cao các loại dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, đặt ra không ít thách thức cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy vậy, với tinh thần chủ động và cảnh giác cao độ, CDC Hà Tĩnh cùng hệ thống y tế cơ sở đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan trên diện rộng.

Giám sát công tác phòng, chống dịch tại các trường học

Thành công lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Hà Tĩnh năm 2024 là đã kiểm soát tốt dịch sốt xuất huyết. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành, song số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Tĩnh rất ít, giảm mạnh so với năm 2023. Điều này cho thấy tính hiệu quả của việc triển khai công tác giám sát trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, tổ chức khoanh vùng, dập dịch. Năm 2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 82 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 49 ca nội địa, 33 ca vãng lai, giảm 194 ca so với năm 2023. Đặc biệt, Hà Tĩnh chỉ ghi nhận 1 ổ dịch với tổng số ca mắc là 35 ca, việc kiểm soát, khống chế hoàn toàn ổ dịch chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Cùng với sốt xuất huyết, trong năm 2024, nhiều loại dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận số ca mắc thấp: 242 ca mắc sởi, 35 trường hợp mắc ho gà, 28 ca tay chân miệng; có 3 địa phương chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết (Vũ Quang, Nghi Xuân và TX Hồng Lĩnh); các dịch bệnh sởi, tay chân miệng, ho gà…, số ca mắc cũng rất ít. Điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các “chiến sỹ” trên mặt trận phòng, chống dịch.

Để có được những thành quả đó, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm: Chủ động phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ cơ sở là một chiến lược quan trọng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với cộng đồng và xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng luôn được chú trọng, bằng nhiều kênh, đặc biệt áp dụng giải pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không chỉ hướng dẫn kỹ thuật mà còn truyền thông trực tiếp đến từng hộ gia đình để vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng dịch bệnh, tự vệ sinh phòng bệnh cho bản thân và tự cách ly khi mắc bệnh truyền nhiễm không để lây lan ra cộng đồng.

Giám sát phòng chống dịch Sốt xuất huyết tại huyện Kỳ Anh

Bên cạnh đó, công tác giám sát chủ động và phát hiện sớm cũng được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Khi có các ca bệnh nghi ngờ, hệ thống y tế dự phòng tập trung triển khai phòng, chống dịch ngay từ đầu với tinh thần quyết liệt, cảnh giác cao, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Nâng cao năng lực bằng cách đào tạo và trang bị cho lực lượng y tế cơ sở và cộng đồng để họ có thể đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tại cộng đồng. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa y tế và chính quyền địa phương nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Một trong những kinh nghiệm “đắc địa” nữa đó là sự cộng tác của người dân. Tục ngữ có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, ăn chín, uống sôi, tạo thói quen rửa tay, sử dụng nước sạch và bảo vệ sức khỏe cá nhân; khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn...

Nhờ vào các biện pháp y tế dự phòng, chúng ta có thể sống trong một môi trường khỏe mạnh hơn và giảm thiểu được nhiều gánh nặng y tế. Tuy nhiên, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, trong đó chủ yếu là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như: H5N6, H7N9, Mers-CoV, Ebola… là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Còn ở Việt Nam, các yếu tố môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch và công trình vệ sinh, ô nhiễm thực phẩm)… Để ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, YTDP không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ. Vì thế, người dân được khỏe mạnh, chống lại các bệnh tật, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận tham gia tích cực của người dân. 

 Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm  Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh

Cùng chuyên mục