CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 21:52 27/03/2024 (424)

Không chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cào cấu

Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: người dân khi bị động vật nghi dại cắn, cào cần nhanh chóng tiêm phòng huyết thanh kháng dại để phòng bệnh và chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tại địa phương giáp ranh với tỉnh ta là Nghệ An đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong do bệnh dại. Điều này gióng lên hồi chuông báo động cho người dân về nguy cơ bệnh dại khi bị động vật cắn, cào cấu.

phong dai 1a.jpg

Tình trạng chó thả rông tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh dại.

Được biết, từ năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 104 trường hợp tử vong do bệnh dại, hầu hết các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, do chủ quan khi cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm bình thường.

Tại Hà Tĩnh, từ năm 2023 đến nay, dù không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, tuy nhiên số người tiêm phòng dại do bị động vật, đặc biệt là chó cắn rất cao. Theo tổng hợp từ ngành y tế, đã có gần 2.000 trường hợp đi tiêm phòng dại, trong đó, có gần 95% các trường hợp là bị chó cắn.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao, gần như 100%. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo) bị dại trên da bị tổn thương. Vì vậy, tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại kịp thời, đầy đủ là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh, khi bị động vật nghi dại cắn, cào hoặc liếm”.

phong dai 2A.jpg

Tiêm phòng dại cho động vật nuôi là giải pháp quan trọng để phòng, chống bệnh dại.

Được biết, nhận định sớm tình hình và nguy cơ lan truyền bệnh dại trên địa bàn, ngành Y tế Hà Tĩnh đã sớm ban hành văn bản gửi các địa phương và cơ sở y tế đề nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên người.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh dại. Tổ chức tập huấn phòng, chống bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm cho hơn 1.000 cán bộ y tế tại 13/13 huyện, thị, thành phố. Xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống bệnh dại tại cơ sở nhằm hướng dẫn và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở trong công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là tại các địa phương trước đây đã có các ca bệnh dại.

 

 

benh daia.jpg

Bộ Y tế khuyến cáo về phòng tránh bệnh dại.

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế như: tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo cho vật nuôi; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%.

Người bị chó, mèo cắn cần hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương; không tự ý điều trị bằng thuốc nam hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh; kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn. Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Thu Hòa

Cùng chuyên mục