CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tin trong ngành 17:01 27/02/2019 (399)

Hà Tĩnh hưởng ứng Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2019), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ trì hội nghị.

Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Dương Tất Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì; cùng tham dự lễ phát động có đại diện thường trực HĐND, UBMTTQ tỉnh; ban Giám đốc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và đại diện các đơn vị y tế tuyến tỉnh. 


Đồng chí Dương Tất Thắng - UVBTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh 

Tại Hội nghị trực tuyến Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt cho ngành Y tế khai mạc Lễ phát động. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự giám sát của Quốc hội, các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, ngành y tế đã đạt được những thành tựu đáng kể: mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch, bệnh; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người bệnh và nhân dân ủng hộ; tài chính cho y tế được đổi mới, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 87,7%; nhờ đó, Việt Nam đã đạt và vượt các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ người dân ngày càng tăng, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đang gặp phải những khó khăn và thách thức rất lớn, cần phải giải quyết đồng bộ, hiệu quả. Thói quen và tâm lý người dân Việt Nam mới chỉ quan tâm đến sức khỏe khi có bệnh, tật, chưa chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe ngay trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh việc luôn luôn phải chủ động phòng, chống các bệnh, dịch truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, Việt Nam còn phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…là nguyên nhân của hơn 70% số trường hợp tử vong mỗi năm.

Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, gây áp lực mạnh mẽ lên hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, chúng ta rất thiếu nguồn lực để chăm sóc sức khỏe cho hơn 95 triệu người dân Việt Nam, ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương còn hạn chế, Quỹ bảo hiểm y tế mới chi trả cho khám và điều trị bệnh, không đủ để chi trả cho các hoạt động dự phòng, chăm sóc sức khỏe.

Hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam, để Chương trình Sức khỏe Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân và toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức chính trị - xã hội, để từng bước, từng bước đưa các mục tiêu của chương trình hiện thực hóa và bền vững trong cuộc sống và sức khỏe.


Tại lễ phát động Bộ trưởng kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực: đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch; đặc biệt cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm, giảm bệnh tật, tử vong, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để Chương trình sức khỏe Việt Nam được triển khai đồng bộ, đạt được hiệu quả thiết thực và bền vững, cần có sự đầu tư nguồn lực thích đáng, được huy động từ ngân sách nhà nước, từ viện trợ, từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cũng như sự tham gia, đóng góp của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.

Bộ trưởng hi vọng Chương trình Sức khỏe Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa, người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cao hơn, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cũng tại hội nghị, trong lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tại cũng đề cao phong trào rèn luyện thể lực, hoạt động thể dục thể thao, bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao thể lực, vệ sinh cá nhân, nhất là cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, tầm vóc và giống nòi.


Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khoẻ Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để tri ân tôn vinh người được giao nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công...". Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong năm qua công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe đặc biệt quan tâm. Việt Nam đạt thành tựu quan trọng, tăng tuổi thọ và thực hiện được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ và được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực, thành tựu mà toàn ngành Y tế đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, ngoài những thành công, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn thách thức mới như vấn đề toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, hành vi thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Trong khi đó, việc phòng yếu tố gây bệnh phát hiện sớm vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Đi khám sức khỏe định kỳ, đối với người bình thường đo huyết áp ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp, đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Khi có ho, khò khè, khó thở cần đi khám ngay để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Hưởng ứng lễ phát động, Hà Tĩnh đã tổ chức trực tuyến tại 14 điểm cầu: tuyến tỉnh tổ chức ở tòa nhà Viettel Hà Tĩnh, 13 điểm cầu tuyến huyện, thị, thành phố tổ chức tại các chi nhánh Viettel.



Tại điểm cầu của tỉnh, ngay từ sáng sớm đội ngũ bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức 3 bàn khám để đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu, kiểm tra tư vấn sức khỏe cho đại biểu và người dân.





Sau khi kết thúc Chương trình phát động, toàn thể đại biểu và các đoàn viên cùng thực hiện tại chỗ bài tập thể dục giữa giờ và tham gia diễu hành bằng xe đạp trên các trục đường chính của Thành phố.
Kiểm tra huyết áp, hưởng ứng Chương trình sức khỏe Việt Nam tại Trạm Y tế Sơn Trung - Hương Sơn....



và tại các trạm y tế thuộc huyện Kỳ Anh và Vũ Quang

Tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và tại các trạm y tế xã, phường cũng tổ chức các hoạt động: phát động Chương trình, đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu, kiểm tra tư vấn sức khỏe, diễu hành đi xe đạp trên các tuyến đường chính của huyện... để tuyên truyền nâng cao sức khỏe cho người dân.

Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.

Thanh Loan – Tuấn Dũng

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại