TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Tin trong ngành 17:33 26/02/2019 (310)

Ngành Y tế Hà Tĩnh: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân

Năm 2018, ngành Y tế đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt hoạt động, nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019 và kỷ niệm 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2019), Bs. Lê Ngọc Châu – TUV, Giám đốc Sở Y tế đã có buổi trao đổi với Ban Biên tập Bản tin Sức khỏe Hà Tĩnh về những kết quả đạt được của ngành trong năm qua và mục tiêu định hướng phát triển trong năm 2019.


PV: Năm 2018 được đánh giá là năm thành công của ngành Y tế trên tất cả các mặt hoạt động, xin bác sỹ cho biết những kết quả nổi bật của ngành trong năm qua. 

Bs. Lê Ngọc Châu: Năm 2018, ngành Y tế đã tranh thủ những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, chủ động, tập trung triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Trung ương, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh, các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh; hoàn thànhcác mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Ngành Y tế đã hoàn thành 04 công việc do UBND tỉnh giao đúng tiến độ; Triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, Trung tâm Pháp y và Giám định Y khoa Hà Tĩnh; Chủ trì đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị khoa học thường niên Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam lần thứ XVII; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 12/02/2018 Kế hoạch lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) cho người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; bổ sung nội dung tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử vào tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong năm, tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%. Tỷ lệ trẻ em từ 6 - 60 tháng tuổi được uống Vitamin A đạt 98,7%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể cân nặng và thấp còi lần lượt đạt 9.2% và 14.5%.

Ngành đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở: Quyết liệt chỉ đạo toàn ngành, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp thực hiện khám, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân, đạt trên 85%; thực hiện khám sàng lọc phát hiện sớm tăng huyết áp cho 437.642 người dân trên 40 tuổi tại 262/262 xã phường, thị trấn (đạt 88,01%). Bước đầu triển khai quản lý, điều trị bệnh nhân tăng huyết, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; phát triển dịch vụ kỹ thuật gắn với nâng cao chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng quốc gia; phong trào xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp - an toàn... Trong năm 2018, nhiều dịch vụ kỹ thuật mới từng bước mở rộng, triển khai. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thành công các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp như: bướu cổ, basedow, cường giáp, ung thư tuyến giáp bằng I ốt phóng xạ - 131; triển khai phẫu thuật nội soi cắt lách, chấn thương bụng kín, tắc ruột do dây chằng, phẫu thuật cắt khối tá tụy.... tiếp tục duy trì các kỹ thuật cao như: phẫu thuật khớp háng, khớp gối, cột sống; Hỗ trợ sinh sản IUI; Xạ hình điều trị ung thư bằng hệ thống Spect; Đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng, 2 buồng… Đặc biệt, bệnh viện đã hoàn thành lắp đặt thiết bị cho đơn vị can thiệp tim mạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện kỹ thuật này vào đầu năm 2019. Tại tuyến huyện, 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi; một số bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật cao như chạy thận nhân tạo, chụp CT-Scaner… Đến nay, tỷ lệ thực hiện các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt 72,03%; bệnh viện tuyến huyện trung bình đạt 70%. Trạm Y tế tuyến xã thực hiện được các kỹ thuật cơ bản cho cấp cứu ban đầu và các bệnh thông thường. Hoạt động chuyển giao kỹ thuật thông qua thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 được thực hiện tốt.


Năm 2018, cũng ghi nhận những đổi thay tích cực tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Từ phong trào thi đua xây dựng cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp – An toàn do ngành phát động, 100% các đơn vị y tế thuộc Ngành đã triển khai thực hiện và tham gia Hội thi cấp cơ sở. Tỷ lệ và chất lượng thực hiện các tiêu chí quốc gia y tế tại các trạm y tế tiếp tục được duy trì và nâng cao, 94,6% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Bước đầu triển khai thực hiện mô hình điểm trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình tại 04 xã, thị trấn của huyện Hương Sơn do Bộ Y tế lựa chọn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện số hóa quản lý công tác y tế được ngành chú trọng. Các phần mềm Quản lý khám, chữa bệnh, phần mềm bệnh án điện tử và Hệ thống lưu trữ - truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện đa khoa tỉnh, phần mềm tiêm chủng, phần mềm quản lý nhà thuốc… được triển khai duy trì có hiệu quả. Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai đến tận 262 trạm y tế. Triển khai ứng dụng phần mềm Quản lý y tế cộng đồng - Medcomm nhằm hỗ trợ quản lý, giúp người dân tìm kiếm được những vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược và khám chữa bệnh chính xác nhất. Triển khai hệ thống phần mềm quản lý HSSK trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã liên thông dữ liệu KCB của người dân từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh về hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra chất lượng hồ sơ sức khỏe tại Trạm Y tế thị trấn Phố Châu huyện Hương Sơn

Các hoạt động quản lý hành nghề Y - Dược ngoài công lập, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải cách hành chính… cũng đạt được kết quả tốt.

PV: Ngành đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường y tế cơ sở và đã đạt được những kết quả nhất định. Bác sỹ có thể nói rõ hơn về vấn đề này.

Bs. Lê Ngọc Châu: Để tăng cường y tế cơ sở, bên cạnh việc tranh thủ những chính sách ưu đãi của tỉnh trong việc hỗ trợ xây mới Trạm y tế (TYT) với cơ cấu 50% ngân sách tỉnh; 20% ngân sách huyện; 30% ngân sách xã và các nguồn huy động hợp pháp khác trong tổng mức đầu tư (Nghị quyết 144/ NQ – HĐND). Ngành đã tiếp tục đề xuất nhu cầu tham gia Dự án “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” do Bộ Y tế triển khai; đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí giảm cấp tiền lương do các đơn vị tự chủ để đầu tư xây mới các trạm y tế. Đến nay, 75% trạm y tế (TYT) đã được đầu tư xây dựng khang trang; 100% TYT thực hiện cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp, an toàn”; 183/262 TYT được đầu tư gói trang thiết bị y tế thông thường phục vụ khám chữa bệnh ban đầu, 58 TYT có máy siêu âm, 34 TYT có máy xét nghiệm đơn giản, 27 trạm y tế có máy điện tim.Về nhân lực: 78% TYT có bác sĩ, 100% TYT có YSSN/NHS; >90 bác sĩ tại các trạm y tế được đào tạo cấp chứng chỉ siêu âm cơ bản; 100% NVYT thôn được đào tạo 3 tháng theo quy định của Bộ Y tế;100% (1810/1810) thôn/xóm có nhân viên y tế thôn; 92% (242/262) xã, phường thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về Y tế... Dự kiến đến hết năm 2020, cơ sở hạ tầng của 100% các trạm y tế trên địa bàn sẽ được đầu tư cơ bản

Năm 2018, ngành đặc biệt tập trung nâng cao năng lực dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm cho tuyến y tế cơ sở: 100% Trưởng trạm y tế đã được đào tạo chương trình chẩn đoán, điều trị và quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình. Xây dựng mô hình điểm và triển khai và áp dụng mô hình quản lý, điều trị bệnh THA tại trạm y tế xã. Hoạt động này đã có kết quả tích cực, mức độ hài lòng và niềm tin của người dân đối với TYT tuyến xã được nâng lên; người bệnh được quản lý, cấp thuốc ngay tại trạm y tế, vì vậy giảm được tốn kém về thời gian và kinh tế cho người dân, đồng thời tăng tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị lâu dài đối với các bệnh mạn tính. Đến nay đã có gần 30.000 bệnh nhân THA, trên 6.000 bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện, theo dõi, quản lý thông qua hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Song song với đó việc quản lý HSSK cho người dân trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu tổ chức hoạt động TYT theo nguyên lý y học gia đình cũng đã dần khẳng định được vai trò quan trọng của y tế cơ sở.

PV: Đến nay tỷ lệ khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) có chất lượng của toàn tỉnh đã đạt 85%. Đây là con số khá ấn tượng. Bác sỹ có thể chia sẻ cách làm của Hà Tĩnh trong việc triển khai lập HSSK cho người dân?

Bs. Lê Ngọc Châu: Khác với các địa phương đã triển khai trước đó, Hà Tĩnh triển khai lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) theo phương pháp lấp đầy dần thông tin sức khỏe của người dân trong hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Đây là cách làm qua thực tế đã chứng minh được tính phù hợp và khả thi.

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh đưa tỷ lệ lập hồ sơ sức khỏe vào tiêu chí 15.Y tế trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đưa nội dung khám tạo lập HSSK điện tử vào chương trình hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) nông thôn mới tỉnh hàng tháng.

Phối hợp với Công ty cung cấp phần mềm (Viettel) xây dựng và triển khai phần mềm đến tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. 100% TYT được cài đặt và tập huấn sử dụng phần mềm HSSK điện tử, phần mềm quản lý KCB BHYT. Bước đầu phần mềm HSSK đã được đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý KCB tại các bệnh viện và đảm bảo liên thông giữa các tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Khi bệnh nhân khám tại các bệnh viện trong tỉnh, lập tức dữ liệu được cập nhật đẩy vào hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân đó trên phần mềm HSSK. Ngược lại, người dân đã được tạo lập HSSK thì khi đi khám tại các bệnh viện tuyến trên của tỉnh, các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi các thông tin về sức khỏe, thông tin các lần khám, xét nghiệm từ trước để có hướng chẩn đoán cũng như điều trị nhanh nhất cho bệnh nhân.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, sự phối hợp của các sở, ngành đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ toàn ngành y tế, đến nay tỷ lệ khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe có chất lượng của toàn tỉnh đã đạt trên 85%.

PV: Năm 2019 được nhận định là năm khó khăn của ngành Y tế, vậy để nâng cao chất lượng chuyên môn các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở ngành Y tế tỉnh nhà sẽ tập trung vào những giải pháp phát triển nào thưa ông?

Bs. Lê Ngọc Châu: Hiện tại ngành đang gặp một số khó khăn trong sắp xếp bộ máy do một số văn bản của Chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW, Nghị quyết số 19- NQ/TW. Chất lượng KCB giữa các bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa đồng đều, năng lực chuyên môn tại một số bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã còn hạn chế. Đội ngũ bác sỹ còn thiếu, đặc biệt là cán bộ có trình độ sau đại học, cán bộ có chuyên môn sâu ảnh hưởng đến công tác KCB và phát triển các kỹ thuật mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị phục vụ triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn tại một số bệnh viện còn thiếu, đặc biệt với chuyên ngành Tim mạch và Ung Bướu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cơ sở hạ tầng một số bệnh viện tuyến huyện đã xuống cấp, thiết kế cũ không còn phù hợp với thực tế như bệnh viện đa khoa các huyện: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, Thạch Hà... Bên cạnh đó những bất cập trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, những điểm mới, chưa phù hợp trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện cũng gây rất nhiều khó khăn cho sự phát triển của ngành.

Trong năm 2019, ngành sẽ tập trung thực hiện tổ chức, sắp xếp lại hệ thống y tế đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Thực hiện tốt các nội dung của Chương trình Sức khỏe Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Thực hiện kiểm soát và phòng chống bệnh không lây nhiễm. Triển khai điều trị THA, ĐTĐ cho người dân tại 110 trạm y tế xã, tiến tới sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Huy động các nguồn lực thực hiện tầm soát bệnh tăng huyết áp cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh gắn với việc quản lý và lập hồ sơ sức khỏe. Nâng cao chất lượng dịch vụ hướng đến sự hài lòng của người dân, kiên trì với 03 nhiệm vụ: phát triển dịch vụ kỹ thuật, đổi mới tinh thần thái độ, xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đưa vào sử dụng đơn vị can thiệp tim mạch và khởi động xây dựng đơn vị xạ trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Triển khai quyết liệt phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng. Tăng cường kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện có hiệu quả và bền vững công tác Dân số - KHHGĐ. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư, vắc xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh và sử dụng thuốc an toàn hợp lý. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, thanh toán BHYT; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Xin cảm ơn Bác sỹ!

Chỉ tiêu năm 2019 của ngành Y tế

- Duy trì 25 giường bệnh/10.000 dân.

- Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế > 89%.

- Tỷ lệ người dân được khám, tạo lập HSSK điện tử đạt ≥ 90%.

- Nâng mức thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện đạt trung bình >3,0 điểm.

- Giảm tỷ lệ sinh 0,1‰; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 0,86%.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân còn 8,9%”.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi còn 14,3%.

- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ <1 tuổi đạt trên 95%.

- 100% các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019 đạt Tiêu chí 15. Y tế. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế >96% năm 2019.

Thu Hòa ( Thực hiện)

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại