Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Nguồn: TTXVN)
Vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2019. Đó là trường hợp một bệnh nhân 4 tuổi ở huyện Chương Mỹ.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, ly bì, co giật… Sau khi được các bác sỹ tích cực điều trị, hiện sức khỏe của cháu bé đã tiến triển.
Cao điểm viêm não Nhật Bản vào mùa Hè
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn (ca bệnh đầu tiên trong năm 2018 được ghi nhận vào giữa tháng Sáu).
Thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Các quốc gia lưu hành bệnh này cao bao gồm các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines.
Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, hàng năm tại Việt Nam có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não virus và số trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 20%. Từ năm 1997 sau khi triển khai vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng, số người mắc và chết do viêm não Nhật Bản đã giảm đi rất nhiều.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Sở dĩ bệnh có tên là viêm não Nhật Bản là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra virus gây bệnh.
Vius gây bệnh viêm não Nhật bản thuộc họ Flavivirus. Ổ bệnh trong tự nhiên là một số loài chim. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Khi những loài chim di cư về, bị muỗi đốt và truyền bệnh trực tiếp cho người hoặc truyền qua lợn, sau đó muỗi lại đốt lợn và truyền tiếp qua người. Loại muỗi gây truyền bệnh viêm não Nhật B ản là muỗi Culex, thường đẻ trứng và nở ra bọ gậy phát triển ở các cống rãnh hoặc ao hồ nước tù, ruộng lúa... Muỗi này thường hay ở trong các bụi rậm hoặc chuồng gia súc.
“Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa Hè. Nguyên nhân là do đây mùa này chim di cư về ăn quả chín và thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Người nào nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Đối tượng hay gặp là trẻ em và kể cả người lớn chưa được tiêm phòng và chưa từng nhiễm virus,” bác sỹ Cấp phân tích.
Tiêm phòng vắcxin là cách hiệu quả để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Phòng bệnh cách nào?
Bác sỹ Cấp cho hay, người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản có thể có diễn biến rất đa dạng. Một số người không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ trong khi một số trường hợp có thể diễn biến thành viêm não nặng. Bệnh nhân sau khi nhiễm virus 5-15 ngày thì xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, nôn mửa, sốt, lú lẫn và co giật, có thể phù não rất nặng dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng như yếu, liệt, động kinh, rối loạn tâm thần hay chậm phát triển trí tuệ...
Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, bác sỹ Cấp khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là tiêm phòng vắcxin đồng thời diệt muỗi, cung quăng và hạn chế muỗi đốt. Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Người dân khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín…
Bộ Y tế khuyến cáo, viêm não Nhật Bản đã có vắcxin phòng bệnh, vì vậy, tiêm vắcxin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất./.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắcxin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắcxin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản.
+ Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.
+ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
+ Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
(Nguồn: vietnamplus.vn)