TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
ATVS Thực Phẩm 15:07 28/05/2019 (1425)

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

Mùa hè, do thời tiết nóng bức, thức ăn rất dễ bị ôi, thiu, nhiễm vi khuẩn... nếu không bảo quản đúng cách dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Vũ Thị Hồng Nhung, Trưởng Phòng Giáo dục truyền thông và chỉ đạo tuyến, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, về vấn đề ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

- Xin bác sĩ cho biết những nguy cơ phổ biến gây ngộ độc thực phẩm trong mùa hè?

+ Ngộ độc thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể chia thành nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn thường có trong thịt gỏi hay thịt cá, hải sản tươi sống hay chưa chín kỹ; các món có trứng gà chưa hoàn toàn được nấu kỹ; nước trái cây chưa được diệt khuẩn; sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn; thức ăn ôi, thiu, biến chất, để lâu ngày. Tiếp theo là do thực phẩm nhiễm các loại hóa chất khác nhau như: Chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản... Bên cạnh đó còn có nhóm thực phẩm tự nhiên có chất gây độc như cá nóc, sắn, măng… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ngộ độc thực phẩm.


Kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm; thiếu nước sạch; trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh; gia tăng sử dụng nước đá ăn uống; nguyên liệu tươi sống không bảo đảm an toàn; chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao; nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: Thịt, cá, hải sản, sữa…

Cùng với đó, thời tiết nóng và ẩm của mùa hè còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… Đây là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố do ô nhiễm thực phẩm, thức ăn chín.

- Người bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện gì, cách xử trí ra sao, thưa bác sĩ?

+ Dấu hiệu điển hình khi bị ngộ độc thực phẩm là: Ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy; đau bụng; sốt, mệt mỏi và thiếu năng lượng; chán ăn; đau cơ; đau đầu, ớn lạnh; trong phân hoặc trong chất nôn có lẫn máu... Nặng hơn là biểu hiện cơ thể mất nước và các chất khoáng hoặc gây ra các triệu chứng về thần kinh như: Mắt mờ, yếu cơ, tê bì cánh tay hoặc thay đổi thị lực như nhìn mờ, nhìn đôi...

 Khi bị ngộ độc thức ăn, cần phải nôn hết thức ăn đã ăn vào. Tuy nhiên, không nên gây nôn ở trẻ em vì trẻ dễ bị sặc. Sau khi nôn hết, người bệnh hãy uống oresol để bù điện giải. Nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. Với phần lớn bệnh nhân, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày, mặc dù một số dạng ngộ độc có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh không thể tự phục hồi, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng, bác sĩ sẽ chọn cách điều trị tốt nhất.

Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng, cần đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. (Trong ảnh: Bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

- Xin bác sĩ cho biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè?

+ Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, trước hết cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm. Sử dụng nguồn nước sạch, bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” bởi tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

- Xin cám ơn bác sĩ

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Cùng chuyên mục