CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tin trong ngành 22:06 02/05/2019 (373)

Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin

Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính làm tổn thương nặng nề bộ não.
Vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính làm tổn thương nặng nề bộ não. Gọi là Nhật Bản vì vào năm 1935, tại Nhật Bản, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tìm thấy nguyên nhân gây bệnh là một loại virut thuộc nhóm B của một dòng virut có tên là Arbovirus. Virut VNNB sống trong thiên nhiên ở các loài chim như: bông lau, rẻ quạt, sẻ nhà, chích chòe, cò, sáo, quạ, cu gáy... Đây là bệnh lây truyền từ động vật (chủ yếu là chim, lợn) sang người qua muỗi đốt (muỗi hút máu chim, lợn nhiễm virut rồi đốt truyền bệnh sang người). Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải loài muỗi nào cũng truyền được bệnh mà chủ yếu là muỗi có tên khoa học là Culex Tritaeniorhycus. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Sau 3 - 4 ngày trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê. Khoảng 20% số trường hợp có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Các di chứng của VNNB thường rất nặng nề. Bệnh VNNB không có thuốc điều trị đặc hiệu do đó phòng ngừa đóng vai trò hết sức quan trọng
Vắc-xin phòng VNNB là vắc- xin sống giảm độc lực. Trẻ được chỉ định tiêm liều thứ nhất khi đủ 12 tháng tuổi, liều thứ hai cách liều thứ nhất từ 1-2 tuần (không nên để trễ quá 2 tuần), liều thứ ba cách 1 năm sau liều thứ hai. Trong vùng có dịch lưu hành có thể tiêm nhắc lại 3 năm 1 lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Tiêm vắc- xin đủ mũi, hiệu lực bảo vệ có thể đạt >90%, thời gian bảo vệ từ 3-5 năm. 
Nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng bệnh.

Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu 
Bệnh thủy đậu do một loại virut có tên Varicella zoster (VZV) gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em với tổn thương dạng mụn nước điển hình. Bệnh khởi phát đột ngột vào ngày thứ 10 đến ngày thứ 14 sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, với các biểu hiện nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn có kích thước từ 1- 3mm, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi bội nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Bệnh thủy đậu có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, viêm não, viêm màng não, Hội chứng Rey... Biến chứng muộn như hội chứng Guillain - Barre, bệnh zona. Thủy đậu lây truyền theo đường không khí và giọt bắn, người lành mắc bệnh do hít phải không khí, giọt bắn có chứa virut. Bệnh cũng có thể lây lan do tiếp xúc trực tiếp với ban, mụn nước hoặc gián tiếp qua quần áo đồ vải có dịch tiết đường hô hấp, dịch từ mụn nước của bệnh nhân. Bệnh thủy đậu dễ lây lan trong môi trường đông người như nhà trẻ, trường học... 
Bản chất của vắc-xin phòng thủy đậu cũng là vắc-xin sống, giảm độc lực. Vắc-xin có có hiệu quả phòng bệnh cao và lâu dài. Tùy từng loại vắc-xin có thể bắt đầu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi (vắc-xin varilrix) hoặc 12 tháng tuổi (vắc-xin varivax). 
Lịch tiêm vắc-xin thủy đậu như sau: Tất cả trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi được tiêm 1 liều (áp dụng cho tất cả các loại vắc-xin thủy đậu hiện đang lưu hành). Trong cộng đồng đang có bệnh nhân hoặc có dịch, có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi 1 liều vắc-xin loại varilrix. 
Trẻ từ 13 tuổi và người lớn chưa mắc thủy đậu tiêm 2 liều, khoảng cách giữa 2 liều từ 4-8 tuần. 
Vắc-xin thủy đậu có thể tiêm cùng vắc-xin khác. Nên tránh có thai ít nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin.
Theo Báo SK&ĐS

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại