Rửa sạch da
Nếu tiếp xúc với dị nguyên (đã xác định được hoặc nghi ngờ), bạn cần đưa dị nguyên ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt. Rửa sạch vùng da tiếp xúc với dị nguyên bằng xà phòng và nước ấm để giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng. Tránh sử dụng xà phòng chứa sodium laurel sulfate vì hóa chất này thường kích thích phản ứng dị ứng. Nên lựa chọn sản phẩm rửa dịu nhẹ, không mùi hương như aveeno, cetaphil...
Tránh gãi
Hành động gãi chỉ khiến kích thích thêm cơn ngứa và kéo dài thời gian của phản ứng dị ứng, thậm chí khiến vùng phát ban lan rộng. Vì vậy, không nên chạm hoặc gãi vùng phát ban. Để giảm ngứa bạn có thể đắp gạc ướt và mát lên vùng da kích ứng. Nhúng băng gạc hoặc một chiếc khăn mỏng vào nước mát. Vắt khăn hoặc gạc sao cho vẫn ẩm nhưng không rỏ nước và bọc quanh vùng da bị tổn thương.
Duy trì môi trường mát mẻ
Sự nóng bức và đổ mồ hôi có thể khiến bệnh nặng thêm, do đó điều quan trọng là phải lưu ý đến nhiệt độ môi trường. Luôn tắm rửa sau khi đổ mồ hôi. Ngoài việc mất nước khiến da bị khô, đổ mồ hôi cũng để lại muối trên da, có thể gây kích ứng và phát ban.
Mặc quần áo làm từ vải sợi thiên nhiên
Các chất liệu như cotton, lụa và vải tre thường ít kích ứng da hơn vải polyester. Nên tránh mặc đồ len vì chất liệu này thường gây kích ứng da. Giặt quần áo mới trước khi mặc. Điều này có thể giúp loại bỏ các hóa chất dùng trong quá trình sản xuất có thể gây kích ứng da.
Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm và bảo vệ da
Tùy thuộc vào đặc thù công việc mà bạn có thể khó tránh khỏi hoặc khó xác định tất cả các chất kích ứng tiềm ẩn. Do đó, để tránh phản ứng dị ứng, bạn nên dùng sản phẩm dưỡng ẩm da và bảo vệ da. Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm như lotion tự nhiên có chứa thành phần như glycerin, hyaluronic acid và propylene glycol. Những thành phần này giúp kéo dài hiệu quả dưỡng ẩm. Sản phẩm dưỡng ẩm tốt có thể giúp da khỏe mạnh để chống lại phản ứng dị ứng.
Bất kỳ vết thương hở nào cũng có thể làm tăng nguy cơ da bị ảnh hưởng bởi dị nguyên. Đeo găng tay cao su dày khi làm việc với hóa chất hoặc chất tẩy rửa có thể giúp giảm nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với da, từ đó giảm phản ứng dị ứng. Ở nhà, bạn nên mua một đôi găng tay cao su để dùng và mua cả dép cao su để mang khi vệ sinh nhà bếp, nhà tắm.
Đề phòng các “tác nhân kích thích”
Đối với một số người, tác nhân kích thích có thể là một số loại thức ăn, bụi, xà phòng, quần áo, nước hoa… Liệt kê các tác nhân kích thích có thể liên quan đến việc bùng phát phản ứng dị ứng trong trường hợp của bạn và cần hết sức tránh. Phòng ngừa là phương thuốc hữu hiệu nhất, do đó nếu bạn nhận ra và tránh các tác nhân kích thích có thể giúp bạn giảm đáng kể các triệu chứng.
Cảnh báo
Nhiều phản ứng dị ứng trên da không nghiêm trọng và tự lành lại theo thời gian. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu sốt, ớn lạnh, mờ mắt, ho hoặc thở khò khè, khó thở, sưng môi, lưỡi, tay chân, hoặc phát ban. Đó có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được xử lý nhanh chóng. Nhiều loại nguyên liệu thảo mộc được quảng cáo sẽ giúp giảm dị ứng trên da nhưng thực chất không được các cơ quan quản lý chấp thuận và cũng không có tác dụng. Tốt nhất bạn nên dùng những nguyên liệu đã được thử nghiệm và chứng minh công dụng.
(Nguồn: dantri.com.vn)