CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 15:13 30/09/2019 (736)

Hà Tĩnh xác định khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh vừa triển khai nghiên cứu sự phân bố véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue tại 13 huyện, thị, thành phố. Qua đó, sẽ xây dựng các giải pháp nâng cao nhận thức, giúp người dân phòng, chống có hiệu quả bệnh SXH.
Ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, bệnh SXH Dengue vẫn đang là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, gây tổn thất kinh tế cho gia đình và xã hội. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 35 trường hợp mắc SXH, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Sau khi được Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh xét duyệt, CDC Hà Tĩnh đã tiến hành các bước nghiên cứu sự phân bố véc-tơ truyền bệnh SXHD. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu về mật độ và sự phân bố quần thể véc-tơ truyền bệnh SXH (muỗi và lăng quăng) theo các tháng trong năm.

Các điều tra viên thu thập véc-tơ truyền bệnh tại các hộ gia đình.
Nghiên cứu cũng sẽ đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành của cộng đồng trong phòng chống SXH; phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng dịch SXH như: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, kinh tế, dân số, xã hội, 
Bác sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc CDC Hà Tĩnh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, từ kết quả nghiên cứu sẽ đánh giá được nguy cơ mắc SXH cho từng khu vực khác nhau trong tỉnh, góp phần xây dựng mô hình dự báo sớm về nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương, đồng thời giúp xây dựng tài liệu truyền thông cho cộng đồng và đề xuất các giải pháp hiệu quả trong công tác dự phòng dịch SXH.

Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm CDC kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết
Để xác định sự phân bố và mật độ quần thể véc-tơ truyền bệnh SXH Dengue, Trung tâm CDC sẽ chọn mỗi huyện 1 xã điểm, mỗi xã chọn 50 hộ gia đình để điều tra véc-tơ truyền bệnh trong vòng 1 năm. 
Hàng tháng, vào các ngày cố định, cán bộ điều tra sẽ đến các hộ gia đình để thu thập mẫu muỗi, lăng quăng. Sau khi thu thập được sẽ gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xác định loại muỗi và lăng quăng. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành xử lý số liệu, phân tích các chỉ số đánh giá côn trùng phân bổ theo khu vực và phân bố theo thời gian hàng tháng.
Trong quá trình thu thập mẫu muỗi và lăng quăng, các thành viên tổ nghiên cứu sẽ phỏng vấn 650 hộ gia đình về kiến thức, thực hành trong phòng chống SXH. Đồng thời liên hệ với Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh để lấy các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm hàng tháng của các địa phương; liên hệ với UBND các huyện để thu thập các thông tin về kinh tế - xã hội và dân số.

650 hộ gia đình tại 13 huyện, thị, thành phố được chọn để điều tra về sự phân bổ, mật độ của véc-tơ truyền bệnh SXH Dengue trong vòng 1 năm
Chị Trần Nữ Quý Linh - thành viên tổ nghiên cứu cho biết: Sau khi xác định được sự phân bổ và mật độ của quần thể véc-tơ truyền bệnh SXH tại 13 huyện, tổ nghiên cứu sẽ tiền hành tìm hiểu sự phân bổ và mất độ này có liên quan gì đến sự thay đổi của các yếu tố về thời tiết hay không? Những hiểu biết của người dân về phòng chống SXH và trình độ kinh tế - xã hội, quy mô dân số khu vực đó có ảnh hưởng đến sự phân bố của muỗi hay không? 
“Đến tháng 8/2020, kết quả nghiên cứu sẽ được hoàn tất, giúp xác định các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH dengue trên địa bàn tỉnh nhà. Đồng thời, xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bổ, phát triển của véc tơ truyền bệnh. Từ đó có thể dự phòng hiệu quả bằng các biện pháp kiểm soát véc-tơ, xây dựng tài liệu truyền thông phù hợp cho cộng đồng phòng chống SXH” – Giám đốc Trung tâm CDC Nguyễn Lương Tâm khẳng định.
Theo: Báo Hà Tĩnh

Cùng chuyên mục