Kết luận này dựa trên bằng chứng khoa học, được hơn 700 tổ chức, cơ quan ở 75 quốc gia trên thế giới công nhận: không có lây nhiễm HIV cho bạn tình âm tính khi bạn tình dương tính điều trị ARV đã đạt được ngưỡng ức chế vi rút dưới 200 bản sao/mL máu. Điều này có ý nghĩa và mang lại hy vọng cho những người sống chung với HIV, giúp người nhiễm cũng như bạn bè và gia đình của họ hiểu rằng tiếp cận điều trị ARV sớm, duy trì điều trị và duy trì được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ giúp họ có thể sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn, có thể sinh con và không bao giờ phải lo sợ về lây nhiễm HIV cho bạn tình.
Bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh siêu âm kiểm tra sức khỏe
cho bệnh nhân
Bs. Phùng Bình Văn – PGĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cộng đồng. Nó đã làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và và điều trị được. Điều này cũng khuyến khích người có nguy cơ nhiễm HIV tiếp cận với xét nghiệm HIV và khi chẩn đoán nhiễm HIV thì điều trị ARV sớm, khuyến khích họ tuân thủ và duy trì điều trị để đạt ngưỡng vi rút ức chế giúp loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, bảo vệ người có HIV sống khỏe mạnh, không bị nhiễm trùng cơ hội và làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử. “Các yếu tố cần thiết để đạt và duy trì tải lượng vi rút không phát hiện được liên quan đến (1) uống thuốc ARV theo chỉ định và tuân thủ điều trị; (2) thời gian đạt ức chế vi rút; (3) xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ; và (4) nguy cơ lây truyền HIV khi ngừng điều trị ARV” Bs. Văn cho biết thêm.
Hiện nay tại nước ta, tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm trên 60%, đặc biệt lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh (cả nước có khoảng 170.000 MSM). Trong khi đó, nếu một người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt sau 6 tháng thường sẽ đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/1 ml máu), nếu duy trì ổn định sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục.
Tại Hà Tĩnh, tính đến 30/9/2019 gần 400 người điều trị ARV. Đối với bệnh nhân mới, trong năm đầu tiên, sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân HIV sẽ được xét nghiệm tải lượng vi rút 6 tháng/lần, các năm tiếp theo chỉ một năm xét nghiệm một lần. Trong thời gian điều trị, nếu bệnh nhân có dấu hiệu kháng phác đồ sẽ được chỉ định xét nghiệm thêm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các chuyên gia chỉ khẳng định việc điều trị bằng ARV giúp tránh lây nhiễm HIV qua con đường tình dục, còn với những con đường lây nhiễm khác như tiêm chích chung kim tiêm, truyền máu... thì chưa được khuyến cáo về độ an toàn nếu đang được điều trị bằng ARV. Do vậy, bao cao su vẫn là biện pháp hiệu quả giảm thiểu lây truyền HIV, cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và kế hoạch hóa gia đình.
...và tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV
Hiện tại vẫn còn bệnh nhân HIV chưa được điều trị bởi cản trở lớn nhất là sự kỳ thị của xã hội. Họ sợ lộ thông tin, danh tính. Điều này đồng nghĩa nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng cao do không điều trị để kiểm soát lượng virus trong cơ thể. Vì vậy mọi người cần xét nghiệm sớm để được tư vấn, điều trị đúng phác đồ, tránh lây lan HIV ra cộng đồng.
Trên thế giới đã có sự đồng thuận rất lớn và rộng rãi về thông điệp K=K. Tính đến 30/07/2019, đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K và chiến dịch này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, bao gồm U=U theo tiếng Anh; K = K theo tiếng Việt, N = N theo tiếng Hà Lan; B = B theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và I = I theo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha. Tại Việt Nam, thông điệp K=K đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xem xét các bằng chứng khoa học và đồng ý với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và UNAIDS cũng như sự đồng thuận rộng rãi và ngày càng tăng trên toàn cầu về K=K là: khi điều trị ARV liên tục để đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được, định nghĩa là dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục. |
Huy Bảo - Văn Hùng