CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 21:56 12/10/2019 (1626)

Ô nhiễm vi nhựa và nguy cơ với sức khỏe con người

Hạt vi nhựa (microplastic) được biết đến là những hạt nhựa nhân tạo, có kích thước rất nhỏ (khoảng nhỏ hơn 1mm).

Nó thường được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm vệ sinh cá nhân như tẩy da chết, sữa rửa mặt, kem đánh răng... Từ lâu, các hạt vi nhựa đã được biết đến có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao. Tuy nhiên, gần đây, các hạt vi nhựa đang dấy lên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. 

Phát hiện hạt vi nhựa có trong khí quyển

Các hạt vi nhựa đã được phát hiện có trong nước biển, hải sản, cá và trong nước uống. Gần đây, trong một nghiên cứu trên Tạp chí Frontiers in Chemistry, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 259 mẫu nước đóng chai của 11 nhãn hiệu thông dụng khác nhau từ 19 địa điểm tại 9 quốc gia. Họ đã tìm thấy 93% trong số đó có chứa trung bình 325 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước được bán ra. Kết quả nghiên cứu đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải vào cuộc điều tra sự an toàn của nước đóng chai. Và mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ cao của các hạt vi nhựa ngay cả trong tuyết ở Bắc cực và dãy An-pơ (Alps).

Nghiên cứu của các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Alfred Wegener (AWI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu biển và cực Helmholtz ở Đức được công bố mới đây cho thấy: Bầu khí quyển hấp thụ các hạt vi nhựa nhỏ này, vận chuyển chúng qua khoảng cách rất xa và sau đó trả lại chúng vào không khí qua tuyết. Nhóm nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu quốc tế đầu tiên về vi nhựa trong tuyết và cũng chứng minh rằng nồng độ đáng kể của loại vật liệu nhân tạo này có thể được phát hiện ở các địa điểm cực kỳ xa xôi như Bắc cực và núi cao An-pơ. Phát hiện này rất được giới khoa học quan tâm bởi cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về chủ đề và số lượng, các hạt vi nhựa được vận chuyển trong khí quyển.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Geoscatics (Địa chất tự nhiên) vào tháng 4 năm nay cho thấy tại một vùng núi xa xôi ở Pyrenees (một dãy núi phía Tây Nam châu Âu), hơn 350 hạt microplastic được tìm thấy trong nước mưa tự nhiên mỗi ngày trên 1m2 - mặc dù không có thành phố lớn hay khu công nghiệp nào gần đó. Các nhà khoa học Pháp cũng đã chứng minh rằng nước mưa và nước thải ở Paris có chứa các hạt vi nhựa.


Chúng ta có thể ăn, uống và hít thở vi nhựa bị ô nhiễm trong môi trường.

Nguy cơ khi hít phải

TS. Melanie Bergmann cho biết: “Khi chúng tôi phát hiện ra rằng một lượng lớn hạt vi nhựa được vận chuyển bằng không khí, câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên là mức độ chúng ta hít phải vi nhựa như thế nào và chúng ta bị ô nhiễm theo cách này”.

GS. Frank Kelly - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường tại Trường đại học King (London) và các đồng nghiệp đã nghiên cứu một nhóm học sinh tại Trường tiểu học Lordship Lane ở Haringey, phía Bắc London và đưa ra kết luận rằng sự phát triển phổi của trẻ em đang bị ức chế do sự giải phóng vi nhựa từ lốp xe hơi. Một số thành phần trong lốp xe giải phóng ra khi mòn phanh, cùng với vi nhựa từ lốp xe sẽ gây ra các phản ứng bất lợi trong phổi, về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe của con người.

Ở mức độ nào đó thì bầu khí quyển trong nhà vẫn bị nhiễm các hạt vi nhựa và việc hít phải nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Nguy cơ thấp từ hạt vi nhựa có trong nước uống

Ngày 22/8/2019, WHO đã đưa ra một kết luận tạm thời về nguy cơ vi nhựa trong nước uống. Đánh giá này kết luận xác nhận sự tồn tại của vi nhựa trong nước uống, song không có bằng chứng cụ thể về việc các hạt vi nhựa này gây nguy hiểm cho con người: Vi nhựa có trong nước uống có nguy cơ gây hại thấp cho sức khỏe con người ở mức hiện tại và cần nhiều nghiên cứu hơn để trấn an người tiêu dùng.

WHO cho biết: Các hạt vi nhựa xâm nhập nguồn nước uống chủ yếu thông qua nước thải và một phần là do quá trình đóng chai và/hoặc bao bì như nắp nhựa.

Ông Bruce Gordon - Ban Môi trường, xã hội và sức khỏe cộng đồng WHO cho biết: “Thông điệp hàng đầu để trấn an người tiêu dùng sử dụng nước uống trên toàn thế giới là: Dựa trên đánh giá của chúng tôi thì rủi ro là thấp”.

Phần lớn các hạt vi nhựa trong nước có đường kính lớn hơn 150 micromet và được đào thải ra khỏi cơ thể. Chỉ các hạt nhỏ hơn có khả năng xuyên qua thành ruột và đến các mô khác. Tuy nhiên, việc hấp thu các hạt nhỏ hơn này dự kiến cũng rất hạn chế. Những lo ngại về sức khỏe đã tập trung vào các hạt nhỏ hơn - Jennifer De France - chuyên gia của WHO và là một trong những tác giả báo cáo cho biết.

Đối với những hạt kích thước nhỏ nhất này, những bằng chứng khoa học thực sự rất hạn chế. Chúng ta cần biết nhiều hơn về sự hấp thu, sự phân bố và tác động của chúng. Đồng thời, cũng cần nhiều nghiên cứu hơn về những rủi ro từ việc tiếp xúc với hạt vi nhựa trên toàn môi trường - trong nước uống, không khí và thực phẩm hàng ngày.

TS. Maria Neira - Giám đốc bộ phận y tế công cộng của WHO cũng cho biết: “Ô nhiễm vi nhựa trong nước uống hiện nay dường như chưa gây ra nguy cơ sức khỏe. Nhưng chúng ta sẽ cần cảnh giác và tìm hiểu thêm. Quan trọng nhất, chúng ta cũng cần ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới”.

WHO khuyến cáo các nhà cung cấp nước và cơ quan quản lý nên ưu tiên loại bỏ mầm bệnh vi khuẩn và hóa chất có nguy cơ đối với sức khỏe con người. Điều này “một công đôi việc”: Hệ thống xử lý nước thải và nước uống vừa giúp xử lý dư lượng tồn dư của phân và hóa chất, đồng thời cũng hiệu quả trong việc loại bỏ vi nhựa.

Xử lý nước thải có thể loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa khỏi nước thải. Xử lý nước uống thông thường thậm chí có thể loại bỏ các hạt vi nhựa nhỏ hơn micromet. Một tỷ lệ đáng kể dân số toàn cầu hiện không được hưởng lợi từ việc xử lý nước và nước thải đầy đủ. Bằng cách giải quyết vấn đề nước bị ô nhiễm phân, cộng đồng có thể đồng thời giải quyết mối quan tâm liên quan đến vi nhựa.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục