CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 21:11 29/10/2020 (1029)

Tập trung khống chế ổ dịch bệnh thủy đậu ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) cho biết: Từ ngày 26 - 28/10, trên địa bàn xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) xuất hiện ổ dịch bệnh thủy đậu với 13 trường hợp mắc.

Bệnh thủy đậu có biểu hiện sốt, mệt mỏi, xuất hiện các nốt mụn nước đỏ rải rác khắp người. (ảnh minh họa Internet)

Theo đó, ngày 12/10/2020, cháu Nguyễn Thị L.C. (9 tuổi, thôn Minh Long, xã Việt Tiến, học sinh lớp 4A5 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Thạch Hà) có biểu hiện sốt, mệt mỏi, xuất hiện các nốt mụn nước đỏ rải rác khắp người. Cháu được nghỉ học, đi khám và điều trị tại phòng khám tư nhân.
Đến ngày 15/10/2020, cháu C. đỡ nên đã tiếp tục đến trường. Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ 12/10 - 26/10/2020, tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng xuất hiện rải rác 10 bệnh nhân có biểu hiện tương tự.
Trong đó, có 9 cháu cùng lớp với bệnh nhân C.; 1 cháu học lớp 2A7. Đến 17 giờ ngày 28/10, xuất hiện thêm 2 trường hợp mắc thủy đậu nữa cũng tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (1 cháu cùng lớp 4A5 và 1 cháu lớp 3A6).

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Là bệnh lành tính do vậy có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. 
Mặt khác, bệnh thủy đậu rất dễ lây truyền, do đó cần phòng bệnh cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như: Trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch... cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng dịch.
Sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, CDC Hà Tĩnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn để điều tra, giám sát ca bệnh, làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để phối hợp trong việc giám sát ca bệnh nghi ngờ, bố trí cho các em nghỉ học khi có sốt.
Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà tiến hành phun hóa chất Cloramin B tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng.
CDC Hà Tĩnh cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà tiến hành phun hóa chất cloramin B khử trùng ổ dịch ở tất cả các phòng học, phòng chức năng, nhà giữ xe, công trình vệ sinh.
Đồng thời, đến tận các hộ gia đình có bệnh nhân mắc thủy đậu để cấp cloramin B, hướng dẫn tẩy rửa dụng cụ cá nhân; tư vấn cách phòng tránh để hạn chế lây lan trong gia đình và cộng đồng; chỉ đạo trạm y tế cơ sở tiếp tục giám sát tình hình bệnh nhân mới, điều trị kịp thời và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch trên hệ thống loa phát thanh xã.
CDC Hà Tĩnh đề nghị chính quyền địa phương và nhà trường tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh thủy đậu tại cộng đồng, trường học; tích cực giám sát chặt chẽ phát hiện các ca bệnh mới, kịp thời khống chế, không để lây lan ra diện rộng.

Các trường hợp bị biến chứng cần điều trị nội trú tại bệnh viện theo đúng liệu trình của bác sĩ. Để bệnh nhanh thuyên giảm và an toàn khi điều trị, mọi người cần lưu ý: 
Khi điều trị tại nhà: 
- Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều. 
- Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn. 
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng. 
- Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời. 
- Cần chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác. 
Khi dùng thuốc điều trị: 
- Với các nốt mụn nước trên cơ thể, bạn có thể dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành. 
- Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ. 
- Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
Tuấn Dũng









Cùng chuyên mục