CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 15:35 25/12/2020 (766)

Tập huấn về phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người

Sáng ngày 24/12, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, Ban Quản lý Dự án An ninh Y tế khu vực tiểu vùng Mê công mở rộng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn liên ngành Y tế - Thú y về công tác phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Dự và chỉ đạo lớp tập huấn có Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Phó Giám đốc Dự án cùng 80 học viên là đại diện lãnh đạo, cán bộ làm công tác phòng, chống dịch của các trung tâm y tế và cán bộ làm công tác thú y của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc CDC Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Dự án phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm cho biết: Hiện tại có hàng trăm dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Những bệnh này có thể được phân biệt theo các dạng tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm hay các tác nhân truyền nhiễm khác. Bệnh lây truyền từ động vật sang người là mối đe dọa đối với cộng đồng. Đặc biệt là đại dịch Covid-19, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về con đường lây truyền của dịch, dù là lây nhiễm từ con đường nào thì hiện tại Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được coi là điểm nóng có bệnh truyền nhiễm mới nổi nguồn gốc từ động vật như cúm A H5N1, bệnh dại,...và Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh có nguy cơ cao. Tuy vậy, việc phối hợp liên ngành trong phát hiện, khoanh vùng và xử lý ổ dịch giữa các đơn vị y tế cơ sở vẫn còn hạn chế. Đồng chí Phó Giám đốc dự án đề nghị học viên nghiêm túc học tập, chia sẻ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ để các giảng viên hỗ trợ, từng bước nâng cao năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Giảng viên đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật truyền đạt các nội dung của buổi tập huấn cho học viên
Tại lớp tập huấn, học viên được các giảng viên nêu lên một số thực trạng bệnh dại trên người, những khó khăn, thách thức và các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại tại Việt Nam, như: quản lý đàn chó nuôi; tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó; điều trị dự phòng bệnh dại cho người... Bên cạnh đó, các học viên còn được giới thiệu về bệnh Cúm A(H7N9) trên người như: đặc điểm của bệnh; hướng dẫn cách giám sát; các biện pháp phòng bệnh và cách xử lý ổ dịch….

Các đại biểu tham dự lớp tập huấn
Lớp tập huấn nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các học viên về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, qua đó giúp học viên hiểu rõ và có những biện pháp xử lý hiệu quả nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh từ động vật sang người.

Huy Ngân









Cùng chuyên mục