CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 14:31 06/07/2021 (570)

Tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong đại dịch Covid-19

Mặc dù chưa vào mùa dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng tại tổ dân phố Lê Lợi, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh đã ghi nhận 18 trường hợp và thị trấn Cẩm Xuyên ghi nhận 01 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong điều kiện cả hệ thống chính trị đang tập trung quyết liệt cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, nếu chính quyền các cấp chủ quan lơ là, không vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch dịch sốt xuất huyết, rất dễ xảy ra dịch bệnh kép, khó kiểm soát.
Cuối tháng 6/2021, tại TDP Lê Lợi phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh đã ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết đầu tiên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã điều tra nguyên nhân, giám sát chặt chẽ các ca bệnh. Qua khảo sát môi trường xung quanh cho thấy nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước trong nhà, phế thải sinh hoạt còn nhiều, không có biện pháp che đậy để phòng muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, khu vực gần nhà bệnh nhân có gần 100 chiếc lốp xe ô tô đã qua sử dụng, trở thành nơi trú ngụ, đẻ trứng của muỗi truyền bệnh.

Bệnh nhân Sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh

Bác sỹ Lê Văn Luyện - Trưởng Trạm Y tế phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh cho biết: “Sau khi xác định các trường hợp mắc sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế thị xã cùng với trạm y tế đã nhanh chóng xuống tại gia đình điều tra dịch tễ; đồng thời, hướng dẫn bà con làm vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ phế thải để tránh muỗi đẻ trứng, sinh sôi. Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cũng đã tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi xung quanh các gia đình này với bán kính 200m”.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát tại TDP Lê Lợi, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh nơi có 18 bệnh nhân mắc Sốt xuát huyết.

Bác sỹ Luyện cũng cho biết thêm: tại thời điểm này, cả hệ thống chính trị và người dân đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song lại xuất hiện thêm dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Tính chất hai loại dịch bệnh này phức tạp, lây lan nhanh nên công tác giám sát và khống chế dịch SXH rất khó khăn. Trên cơ sở đó cần tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với SXH và Covid-19.

Theo nhận định của (CDC) Hà Tĩnh, năm nay, tình hình dịch SXH ở một số địa phương trong tỉnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra sớm hơn các năm trước nếu không có các biện pháp chủ động thực hiện phòng chống kịp thời. Thời tiết năm nay nắng nóng, có mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ lây lan mầm bệnh. Mặt khác, vì dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh nên người dân cũng ít quan tâm đến các loại bệnh dịch khác, cho dù đây là bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh chóng, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo phòng chống dịch SXH vào mùa

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh nếu không được kiểm soát với một số biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền.

Lo lắng trước sự lây nhiễm của Covid-19, một số người có triệu chứng của SXH như: sốt, đau mỏi người đã ngần ngại tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid -19. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ “dịch chồng dịch” của Covid-19 và SXH đang có chiều hướng gia tăng.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung cho biết thêm: Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng lúc mùa dịch SXH đã đến, vì vậy cán bộ y tế khi thăm khám các bệnh nhân có sốt, ho, đau mỏi cơ.. cần phân biệt một số triệu chứng của SXH và Covid-19 và cần điều tra rõ, khai thác đầy đủ các yếu tố dịch tễ liên quan nhằm mục đích chẩn đoán chính xác bệnh, để có biện pháp phòng chống, điều trị phù hợp. Song không loại trừ tình huống một bệnh nhân có thể mắc hai bệnh cả SXH và Covid-19, lúc đó làm cho bệnh càng nặng nề hơn, rất khó chữa.

Để phòng bệnh SXH có hiệu quả, người dân cần thực hiện“không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Cần phải thau rửa chum, vại, lu, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt, đậy nắp kín để không cho muỗi vào đẻ trứng; thay nước lọ hoa hàng ngày; thả cá... Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rãnh, ao, hồ để tiêu diệt muỗi đẻ trứng. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau đầu, đau mỏi người cần đến các cơ sở y tế để được tư chẩn đoán điều trị kịp thời; không tự ý dùng thuốc, vì nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nhật Thắng



Cùng chuyên mục