2. Chăm sóc trẻ F0 khi bị tiêu chảy đúng cách
2.1 Bù nước bằng oresol
Hiện nay, dung dịch (thuốc) bù nước chính là oresol . Trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau. Cha mẹ chú ý khi mua thuốc oresol phải đọc/hỏi kỹ hướng dẫn pha:
Luôn pha hết 1 gói vào đủ lượng nước theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không chia nhỏ gói thuốc để pha từng ít một. Dung dịch đã pha sử dụng trong ngày, không sử dụng khi đã để qua đêm.
Dung dịch oresol đã pha sử dụng bù nước cho trẻ sau mỗi lần nôn hoặc đi ngoài lỏng. Chú ý uống đổ thìa nhỏ ít một, tránh tu bằng bình. Lượng dung dịch bù mỗi lần tùy theo lứa tuổi trẻ, sau khi uống hết lượng theo khuyến cáo mà trẻ vẫn đòi uống tiếp nên cho trẻ tiếp tục uống. Nếu trẻ nôn, nên cho trẻ uống ít một sau đó dừng 5 phút rồi tiếp tục cho uống với tốc độ chậm hơn.
Ví dụ:
Trẻ < 2 tuổi: uống 50 – 100ml oresol sau mỗi lần đi ngoài lỏng hoặc nôn;
Trẻ > 2 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần nôn, đi ngoài lỏng;
Trẻ > 5 tuổi có thể uống từng ngụm nhỏ.
2.2 Bổ sung kẽm
- Trẻ bị tiêu chảy có thể bổ sung kẽm theo khuyến cáo với liều:
Trẻ dưới 6 tháng: 10mg kẽm nguyên tố/ngày x 10-14 ngày.Trẻ trên 6 tháng: 20mg kẽm nguyên tố/ngày x 10-14 ngày
- Có thể bổ sung các chế phẩm men vi sinh: 1-2 gói/ngày tùy theo lứa tuổi (có thể tham khảo thêm tư vấn từ nhân viên y tế).
2.3 Nên ăn gì, kiêng gì?
- Với trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ vẫn tiếp tục cho con ăn như bình thường. Nếu trẻ ăn kém nên chia nhỏ bữa nhiều hơn so với bình thường, tổng lượng ăn không thay đổi nhiều so với hàng ngày.
- Sử dụng thêm sữa chua hàng ngày
- Một số dung dịch không thích hợp:
Nước uống có đườngNước có gas, nước trái cây công nghiệpDung dịch có chất kích thích: cafe, trà...
- Một số thức ăn nên tránh:
Tránh những loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ
Nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước, làm trẻ nhanh no, ít chất dinh dưỡng
Thức ăn chứa nhiều đường có thể làm nặng thêm tình trạng phân lỏng
2.4 Có nên dùng kháng sinh?
Nhiều cha mẹ nóng ruột muốn con nhanh khỏi tiêu chảy nên tìm đến kháng sinh vì nghĩ rằng kháng sinh có tác dụng, tuy nhiên điều này là sai lầm.
TS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai: Không nên sử dụng kháng sinh khi trẻ F0 bị tiêu chảy. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như: đi ngoài phân nhầy hồng, phân có máu, đau bụng, mót rặn kèm sốt cao cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để có kê đơn hợp lý.
2.5 Theo dõi dấu hiệu bất thường ở trẻ
Trẻ đi ngoài lỏng nhiều lần, liên tục
Nôn nhiều
Khát nhiều
Ăn, bú hoặc bú kém
Kích thích, vật vã hoặc li bì.
Co giật, hôn mê
Phân máu
Khi trẻ có những dấu hiệu này, tiếp tục cho trẻ uống bù nước, uống hạ sốt khi sốt cao và đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế ngay.
Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi < 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu chuyển nặng, cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay: thở nhanh; khó thở, cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái đầu môi, đầu chi; SpO2 < 95%.
Ngoài ra, khi con có 1 trong 8 triệu chứng bất thường sau, phụ huynh cần báo ngay cho nhân viên y tế để đươc hướng dẫn: sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; tức ngực; mệt, không chịu chơi; cảm giác khó thở; SpO2 < 96%; ăn/bú kém.