CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 15:28 31/05/2022 (1125)

Chủ động phòng bệnh tay chân miệng khi vào mùa

Theo thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại Bình Thuận. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc, tử vong giảm. Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Tại Hà Tĩnh, bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra rải rác tại một số địa phương. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn đang là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt ở trẻ đang trong lứa tuổi đi học, bởi bệnh thường dễ bùng phát ở nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt tập thể của các trẻ nhỏ.

    Điều dưỡng Khoa Nhi kiểm tra nhiệt độ cho bệnh nhân Nguyễn Hữu Bình Nguyên 11 tháng tuổi, trú tại Thôn Bàu Lá, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà bị sốt cao do mắc tay chân miệng

 Cháu Nguyễn Hữu Bình Nguyên 11 tháng tuổi, trú tại Thôn Bàu Lá, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà và cháu Đặng Hải Nam 15 tháng tuổi, trú tại xóm Nhật tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc bị mắc bệnh tay chân miệng và đều được nhập viện điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh vì sốt cao trên 40 độ, không cắt cơn, li bì, quấy khóc. Chị Trần Thị Mai – mẹ của cháu chia sẻ: “ Trong xóm cũng có một vài cháu có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ nên điều trị tại nhà khỏi, con tôi bị nặng nên gia đình đưa cháu vào đây điều trị cho yên tâm. Hiện tại các mụn nước đã khỏi, cháu cũng đỡ sốt và ăn uống được”.

Theo Ths. Dương Văn Giáp – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “từ giữa tháng 5 đến nay đã có 9 bệnh nhân tay chân miệng nhập viện điều trị tại khoa. Các cháu đều sốt cao không cắt cơn, có biểu hiện giật mình, mệt mỏi, quấy khóc. Qua điều trị, các cháu đã ổn định và xuất viện”.

Ths. Dương Văn Giáp – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân Đặng Hải Nam 15 tháng tuổi, trú tại xóm Nhật tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc bị bệnh chân - tay - miệng.

 “Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện mệt mỏi, sốt tùy mức độ từ nhẹ đến sốt cao 39-40 độ. Sau đó xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, tiếp đó ở bàn chân, bàn tay, mông cũng xuất hiện các mụn nước, bọng nước, không gây đau rát. Bệnh có thể biểu hiện thể nhẹ dưới dạng tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc ở những thể nặng như tổn thương thần kinh biểu hiện như li bì, giật mình, yếu liệt chi. Thậm chí rất nặng như tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn với biểu hiện khó thở phù phổi cấp. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu trẻ phải nhập viện điều trị, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để trẻ nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng”, Ths Dương văn Giáp chia sẻ thêm.

Bệnh tay chân miệng là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết các địa phương, ở tỉnh ta thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và từ tháng 9-11 hằng năm.

Ths Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền vi rút sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý là một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus”.

Chăm sóc cho bệnh nhân bị mắc chân tay miệng đang điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

 Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệngngười dân cần thực hiện: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như chén, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên ngâm rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong không để dịch bùng phát. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vừa có văn bản gửi Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đề nghị triển khai các nội dung sau:

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh/ các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng xử lý triệt để ngay sau khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng điều tra xác minh ổ dịch; Bố trí đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng,chống dịch hiệu quả. Kịp thời báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch và lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực công tác vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay với xà phòng.

Phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phát hiện ca bệnh nghi ngờ và tuyên truyền sâu rộng trong trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo có các hoạt động trong kỳ nghỉ hè về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác; hướng dẫn các cơ sở Giáo dục chuẩn bị đầy đủ nước, xà phòng và bố trí vị trí thuận tiện cho việc chăm sóc trẻ, cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường và vệ sinh bàn ghế, đồ dùng vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Khi có ca bệnh nghi ngờ thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

                

Thu Hòa – Tuấn Dũng




Cùng chuyên mục