CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 17:25 07/11/2022 (898)

Phòng tránh bệnh mùa đông cho người già, trẻ nhỏ ở Hà Tĩnh

Khi thời tiết chuyển sang đông, nhiệt độ giảm sâu thì người già, trẻ em với khả năng miễn dịch yếu dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp, da liễu… Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

P.V: Thưa bác sỹ, hiện nay, thời tiết đang diễn biến thất thường và chuẩn bị bước sang đông, vậy người dân, nhất là trẻ em và người già có nguy cơ mắc những bệnh lý phổ biến nào?

Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng: Giao mùa thu - đông có đặc trưng là nhiệt độ và thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm không khí cao, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút, vi khuẩn có hại phát triển. Với sức đề kháng, miễn dịch kém nên trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

                   Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng đưa ra các khuyến cáo phòng tránh các bệnh mùa đông cho người già, trẻ nhỏ.

Nếu không có các biện pháp phòng tránh thì người già và trẻ em sẽ rất dễ mắc phải một số bệnh về đường hô hấp như: viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản, khí phế thủng, đặc biệt là bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất dễ xuất hiện hoặc tái phát. Các bệnh viêm mũi, họng với các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng, ho, tức ngực, có khi gây khó thở, ở trẻ em xuất hiện sốt.

Vào mùa này, do thay đổi thời tiết, nhất là lạnh và ẩm cũng làm cho người già dễ mắc hoặc tái phát các bệnh về xương khớp như: thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và xơ cứng khớp. Các bệnh này làm cho người bệnh đau nhức, khó chịu, gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

                             Thời tiết giao mùa nên bệnh nhân là người lớn tuổi đến BVĐK tỉnh thăm khám khá đông.

Đối với trẻ em, khi thời tiết chuyển mùa lạnh với làn da mỏng và nhạy cảm rất dễ bị dị ứng với các biểu hiện da nổi mẩn đỏ, ngứa, biếng ăn, quấy khóc. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị sốt phát ban do vi-rút sởi, vi-rút rubella. Bệnh nhân thường có triệu chứng mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, đau đầu, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng có các chấm xuất huyết nhỏ. Sốt, nổi ban khắp người, đặc biệt ở thân mình và tứ chi. Xuất hiện hạch ở gần hai bên cổ, sau tai, sưng to và đau; các chấm đỏ nhỏ li ti xuất hiện dần từ mặt, lan nhanh ra toàn thân…

Thời tiết diễn biến thất thường đã làm cho số lượng bệnh nhân là người già và trẻ em đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cao. Tại các khoa như: Nhi, Tai - mũi - họng, Tim mạch, Nội… đều ghi nhận số lượng bệnh nhân tăng từ 15-20% so với trước đây.

P.V: Vậy bác sỹ có những khuyến cáo gì cho người dân để phòng tránh hữu hiệu với các loại bệnh lý trên ?

Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng: Người già, trẻ em với khả năng miễn dịch thường yếu hơn nên khi mắc bệnh thời gian điều trị sẽ kéo dài và gia tăng chi phí điều trị. Chính vì vậy, khi thời tiết chuyển mùa, nhất là bước vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, người dân cần chủ động tuân thủ các biện pháp để phòng tránh.

                                                Bác sỹ Trọng thăm khám cho một bệnh nhân lớn tuổi.

Đầu tiên là cần giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt không để lạnh đột ngột. Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước ấm trong phòng kín gió, nên tắm nhanh. Hằng ngày cần mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ; ngủ ấm, tránh gió lùa; hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm hoặc trời mưa.

Nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường như: sốt, người gai lạnh, thân nhiệt tăng hoặc hạ, đau đầu, chóng mặt, đi đứng mất thăng bằng... thì cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị kịp thời.


Sức đề kháng yếu nên trẻ em dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa và chuyển đông.

Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người già và trẻ em, nhất là ăn thức ăn nóng. Người già cần lựa chọn các môn thể dục, thể thao phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Việc tập luyện đều đặn sẽ giúp cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão, giúp khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết, giảm mỡ máu. Tuy nhiên, khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp, thậm chí có thể tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mãn tính.

Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ để tăng cường miễn dịch chủ động; khi có những dấu hiệu như sốt cao, ho kéo dài, tiêu chảy, nôn... thì không tự ý mua thuốc điều trị mà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!


 Nguồn: Báo Hà Tĩnh


Cùng chuyên mục