CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 21:45 09/11/2022 (2148)

"Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!".

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008 và lấy thời gian từ ngày 10/11-10/12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động là "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!".


Mục tiêu của Tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.  Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân. 

Trong tháng hành động các địa phương, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền phổ biến những nội dung chính về: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam; Các văn bản quy phạm pháp luật và quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS;  Tư vấn và xét nghiệm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; các biện pháp dự phòng và điều trị HIV; giải pháp vượt qua các thách thức trong đại dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục… Đặc biệt chú trọng thông tin, truyền thông về các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tấm gương thầy thuốc, cơ sở y tế, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.  Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, như: Tổ chức Lễ phát động, mít tinh hưởng ứng, tổ chức các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội…

                                                                                               Đoàn Loan

KHẨU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2022

1. Cộng đồng chung tay - Kết thúc ngay dịch AIDS!

2. Tuổi trẻ sáng tạo - hành động vì một Việt Nam không còn AIDS!

 3. Tuổi trẻ chung vai, vì ngày mai không còn HIV/AIDS!

4. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!

5. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!

 6. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!

7. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần.

8. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!

 9. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!

10. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con! 11. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!

12. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!

13. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS – Không để ai bỏ lại phía sau!

14. PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV!

15. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!

16. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022!

 17. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022!




Cùng chuyên mục