CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 23:51 22/05/2023 (572)

Người dân vẫn được tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có quyết định 2227/QĐ-BYT về ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, đồng thời chuẩn bị để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, tiêm các mũi nhắc lại tiếp theo khi có khuyến cáo.

Kế hoạch này giúp các địa phương tự xác định nhu cầu vaccine, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình.

Nhân viên y tế quận Hà Đông tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng Trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; trong năm 2023 cần tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng mới đến độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tiêm các mũi nhắc lại.

Về chiến lược sử dụng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế xác định sử dụng tối đa các loại vaccine hiện có, đặc biệt là vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo hoặc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp và vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Cùng với đó, ngành Y tế áp dụng cách thức phối hợp các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau căn cứ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm sử dụng vaccine của Việt Nam, các quốc gia trên thế giới nhằm tạo hiệu quả miễn dịch cao, đảm bảo an toàn.

Bộ Y tế thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO; sử dụng vaccine theo nhu cầu đề xuất của địa phương, nhu cầu của người dân và lượng vaccine được cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ước tính đến hết năm 2023, nhu cầu vaccine phòng COVID-19 của các địa phương cần bổ sung là hơn 2,259 triệu liều. Nhu cầu này có thể thay đổi theo đề xuất của địa phương.

Đối tượng cụ thể được tiêm chủng theo kế hoạch trên, gồm: Người từ 18 tuổi trở lên: người thuộc đối tượng tiêm, người chưa tiêm các mũi nhắc lại và người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 17 lên 18 tuổi); người từ 12 đến dưới 18 tuổi, người chưa tiêm đủ 3 mũi, người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 11 lên 12 tuổi); người từ 5 đến dưới 12 tuổi có nhu cầu tiêm mũi cơ bản.

Trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp theo cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên. Về nhóm đối tượng này, Bộ Y tế nêu rõ, việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể khi có đủ căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 vẫn được tiêm miễn phí cho người dân. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch này từ ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước cùng các nguồn vốn hợp tác khác.

Tại kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ, tiêm chủng chiến dịch có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

Căn cứ khuyến cáo của WHO và các tổ chức quốc tế khác cũng như kinh nghiệm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các quốc gia, ngày 11/11/2022, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp, đưa ra khuyến cáo: Tại thời điểm hiện nay, chưa triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi mà cần tập trung nguồn lực vào hoạt động nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng đã có hướng dẫn như mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; chưa khuyến cáo tiêm liều nhắc lại lần thứ 3 (mũi 5) vaccine phòng COVID-19 và nhắc lại hàng năm.

Tiếp đến, ngày 17/4/2023, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Việc sử dụng vaccine theo khuyến cáo của WHO ngày 30/3/2023 là cần thiết; cần tiếp tục theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình triển khai trên thế giới và việc triển khai tiêm chủng tại Việt Nam để có cơ sở xem xét đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng vaccine trong thời gian tới tại Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Với các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch...

Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virrus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với COVID-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do virus, miễn dịch giảm, dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong. Do đó, người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Tin tức


Cùng chuyên mục