CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 20:12 27/05/2023 (627)

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo về các biến chứng của bệnh thủy đậu

Ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, cha mẹ cần chủ động cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Mùa nắng nóng sẽ thường xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó, bệnh thủy đậu là bệnh lý rất dễ gia tăng và lây lan. Thực tế, hơn một tháng qua, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận, điều trị cho hàng chục bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó, đa phần bệnh nhân đã có biến chứng hoặc là đối tượng nguy cơ cao như: phụ nữ mang thai. Thậm chí, trung tâm đã ghi nhận một trường hợp người lớn tử vong do biến chứng của thủy đậu.

Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân bị thủy đậu.

Tại Hà Tĩnh, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn có gần 300 ca mắc bệnh thủy đậu, hầu hết là bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp mắc bệnh thủy đậu phải vào Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) để điều trị do bị biến chứng hoặc có nguy cơ cao bị biến chứng.

Bác sỹ Đặng Thị Lý - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) cho biết: “Đối với những bệnh nhân mắc thủy đậu không có biến chứng thì được hướng dẫn bôi thuốc, uống thuốc kháng virus, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và cho điều trị ngoại trú. Còn những trường hợp bị biến chứng, thường phải nhập viện và điều trị kháng sinh; thời gian điều trị dài hơn và khó khăn hơn. Với những phụ nữ mang thai cũng phải nhập viện để theo dõi, điều trị”.

Được biết, hầu hết các trường hợp biến chứng là do tự mua thuốc điều trị tại nhà, không giữ vệ sinh, hoặc bôi, đắp các loại lá dân gian… nên bị bội nhiễm, đến khi bệnh nặng mới vào các cơ sở y tế.

Các nốt phỏng của thủy đậu bắt đầu xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân khi mắc bệnh.

Cách đây gần 1 tuần, Khoa Truyền nhiễm - BVĐK tỉnh tiếp nhận một trường hợp bé gái 8 tuổi (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) vào viện trong tình trạng xuất hiện nhiều nốt ban phỏng, kèm co giật. Theo người nhà kể lại, bệnh nhi trước đó đã bị thủy đậu 8 ngày, tự điều trị tại nhà. Sau khi thấy con xuất hiện co giật thì đưa vào viện. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán, bệnh nhân nghi viêm não do biến chứng thủy đậu nên đã cho chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết). Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, chảy mũi hoặc tiếp xúc dịch tiết, vùng da bị tổn thương của người mắc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Người mắc thủy đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, da xuất hiện nhiều nốt phỏng toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo về các biến chứng của bệnh thủy đậu

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra hạn sử dụng, chất lượng thuốc phòng thủy đậu trước khi tiêm.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho nhóm người có nguy cơ cao như: suy giảm miễn dịch, mắc ung thư đang điều trị hóa chất; người có bệnh nền... Khi bị bệnh thủy đậu, nếu không giữ vệ sinh, không đi khám bác sỹ chuyên khoa mà tự ý điều trị, bôi thuốc không đúng hoặc đắp các thuốc lá… thì bệnh phát triển nặng, dẫn đến các biến chứng như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần thực hiện một số biện pháp như: hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần phải cách ly tại nhà để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo về các biến chứng của bệnh thủy đậu

Các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh nên chủ động cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu từ sớm.

Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin, mọi người nên chủ động tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, trong đó, trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi cần được tiêm 1 liều vắc-xin ngừa thủy đậu; thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên cần được tiêm 2 liều (cách nhau ít nhất 6 tuần). Phụ nữ khi có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con. Đối với trường hợp thủy đậu biến chứng, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh

Giám đốc CDC Hà Tĩnh

Thanh Loan





Cùng chuyên mục