CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 16:04 24/08/2023 (371)

Chủ động phòng bệnh tay chân miệng trong mùa tựu trường

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng hơn 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Tại Hà Tĩnh, dịch bệnh chỉ xảy ra rải rác, nhưng trong mùa tựu trường các chuyên gia y tế khuyến cáo cần chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Thạc sỹ, bác sỹ Đặng Quang Minh - Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) thăm khám cho một bệnh nhân bị tay chân miệng.

 

Cháu Trần Yến Nhi – 6 tháng tuổi, trú tại Phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh mắc tay chân miệng gần 1 tuần nay. Lúc đầu thấy cháu nổi những nốt đỏ gia đình tưởng cháu bị côn trùng đốt nên mua thuốc về bôi. Sau đó cháu sốt cao không cắt, gia đình đưa đi khám phát hiện bệnh tay chân miệng và điều trị tại khoa Nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cũng trong tình trạng tương tự cháu Trương Thị Phương Thảo – 14 tháng tuổi, trú tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà được đưa vào điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì sốt cao trên 40 độ, không cắt cơn, li bì, quấy khóc do mắc tay chân miệng. Chị Phạm Thị Hằng – mẹ bệnh nhi chia sẻ: “trước đó gần nhà có cháu nhỏ cũng bị tay chân miệng sang chơi. Vì vậy đã lây bệnh sang con gái tôi. Lúc đầu cũng tưởng cháu bị sẩn ngứa. Nhưng sau cháu sốt cao, quấy khóc, không ăn uống được. Vì vậy gia đình đưa cháu đi khám và nhập viện điều trị cho yên tâm”. 

 

Đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng

 

Tại khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị. Đa phần các ca nhẹ, được điều trị ổn định cho ra viện. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp chuyển độ nhanh, nặng phải chuyển tuyến trên. Bs Đặng Quang Minh – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhấn mạnh: “phụ huynh không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Theo đó, khi trẻ có một trong 3 triệu chứng của bệnh thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Cụ thể, trẻ sốt cao trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Vì thế, cha mẹ nhớ chú ý để phát hiện triệu chứng này ở trẻ, ngay cả khi trẻ đang chơi và quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Ngoài ra, dấu hiệu trẻ quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ, nếu ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc rồi lại ngủ tiếp thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Đây là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm, tuy nhiên nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng do bé có các nốt đau trong miệng nên quấy khóc”.

 

Đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng

 

Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát. 

Dù số ca bệnh trên địa bàn tỉnh không cao nhưng các gia đình tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Đặc biệt, vào năm học mới, trẻ được tiếp xúc với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng cũng tăng cao tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, nguy cơ dịch bùng phát rất cao. Theo Bs Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: “Để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng trong mùa tựu trường, phụ huynh và nhà trường cần đảm bảo thực hiện "nguyên tắc 3 sạch". Theo đó, trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (trẻ được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch sẽ), chơi sạch ( đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên). Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác. Đồng thời, gia đình, nhà trường nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ.. Đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ ở nhà để tránh tiếp xúc lây lan sang các bạn khác”. 

 

Điều dưỡng xử lý các nốt đỏ, nốt phỏng nước cho trẻ.

 

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ở tỉnh ta thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 trùng với thời điểm học sinh tựu trường. Vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Thu Hòa

Cùng chuyên mục