CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 21:39 20/12/2023 (342)

Bài học từ phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch Sốt xuất huyết(SXH) bùng phát trên toàn quốc, ghi nhận gần 150 ngàn trường hợp mắc, 36 trường hợp tử vong. Tại Hà Tĩnh, ngành y tế tiếp tục thành công trong công tác phòng chống dịch SXH.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 264 ca mắc SXH rải rác trên toàn tỉnh, trong đó 57 ca nội tại, 207 ca xâm nhập từ các địa phương khác trở về, không có ca tử vong; chỉ ghi nhận 01 ổ dịch quy mô nhỏ được phát hiện sớm, bao vây dập tắt nhanh trong thời gian ngắn, không có ca tử vong.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát sức khỏe bệnh nhân mắc SXH tại huyện Lộc Hà

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Mặc dù còn thiếu thốn về trang thiết bị, hóa chất, máy phun nhưng ngành y tế đã khắc phục khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất về phòng chống SXH. Với kinh nghiệm nhiều năm thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ngay từ đầu năm, trung tâm đã dự báo năm 2023 dịch SXH sẽ diễn biến phức tạp vì vậy đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch SXH nói riêng trên toàn tỉnh. Đồng thời chủ động tập huấn nâng cao năng lực hệ thống Y tế dự phòng trên toàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả các đội cơ động phòng chống dịch từ tỉnh đến huyện, xã”.

Huyện Lộc Hà là địa phương trong nhiều năm qua xuất hiện nhiều ổ dịch SXH, nhưng trong 11 tháng  năm 2023 ghi nhận 16 ca SXH rải rác tại 10 xã, thị trấn, chủ yếu là xâm nhập từ các địa phương khác trở về, dó đó Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà đã có nhiều giải pháp chủ động phòng chống dịch. “Có được kết quả đó là nhờ Trung tâm y tế đã kiện toàn ban chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm. Thành lập 02 đội cơ động phòng chống dịch bệnh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện họp triển khai nhanh các biện pháp phòng chống dịch SXH đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên,  nhanh chóng khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời”, bác sỹ Đào Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà cho biết.

Cán bộ CDC và huyện Lộc Hà giám sát muỗi, bọ gậy phòng chống SXH tại đại phương

Là địa phương có nhiều người qua lại, làm ăn sinh sống ở các tỉnh khác về trên địa bàn, vì thế nguy cơ dịch bệnh SXH xẩy ra là rất lớn. Để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn, Trung tâm Y tế Thị xã Kỳ Anh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. “Trung tâm đã thường xuyên theo dõi, giám sát, phối hợp tốt với Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh để phát hiện sớm các ca bệnh. Kịp thời xử lý, khống chế không để lây lan trên diện rộng. Quản lý giám sát phát hiện tốt các trường hợp đi vùng có dịch về, báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ, tư vấn, xử lý đạt hiệu quả cao. Trong 11 tháng đầu năm 2023 chỉ phát hiện 07 bệnh nhân SXH vãng lai trên địa bàn. Xây dựng phường Kỳ Thịnh là phường trọng điểm về SXH. Tổ chức giám sát vectơ tại các hộ gia đình, thường xuyên vệ sinh môi trường phòng chống dịch SXH”, bác sỹ Võ Văn Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế Thị xã Kỳ Anh chia sẻ.

Xác định, trong công tác phòng chống SXH, chính quyền địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng. Do đó, ngành y tế đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động toàn thể cộng đồng nhân dân thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, diệt loăng quăng, bọ gậy, giám sát chặt chẽ các địa phương có ổ dịch cũ và có mật độ véc tơ truyền bệnh cao, phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch. Hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến huyện thị, xã phường hoạt động liên tục, thường xuyên trên 2 kênh: Giám sát dựa vào cộng đồng và giám sát tại các cơ sở điều trị.

Ông Lê Viết Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà cho rằng: “Xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà những năm qua xuất hiện nhiều ổ dịch SXH, nhưng trong 11 tháng đầu năm 2023 đến nay chỉ xuất hiện 01 ca bệnh xâm nhập từ địa phương khác trở về. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống từ chính quyền địa phương đến y tế trạm, y tế thôn và cộng đồng nhân dân cùng nổ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh giám sát véc tơ truyền dịch SXH tại thị xã Kỳ Anh

Cũng trong công tác phòng chống dịch SXH đội ngũ y tế thôn được xem là “người gác cổng”. Nhờ có đội ngũ y tế thôn đã đến tận nhà dân tuyên truyền, vận động, giám sát phòng chống dịch bệnh nên các ca bệnh được phát hiện kịp thời, xử lý triệt để. Điển hình là tại thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc nhiều năm qua không có ca bệnh sốt xuất huyết nào.

Ông Nguyễn Thăng Long, Y tế thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà bộc bạch: “Xác định y tế thôn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch, nhất là SXH, vì thế mỗi ngay chúng tôi dành vài tiếng đi giám sát, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy, thu gom các vật chưa nước không cần thiết, thường xuyên thau rửa các bể chứa nước mưa, nước sinh hoạt của gia đình…”.  

“Sau khi được nghe các bài phát thanh về phòng chống SXH và được cán bộ y tế thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở nên bà con chúng tôi hiểu được nguy cơ dịch bệnh SXH ảnh hưởng tới sức khỏe, nên chúng tôi thường dành 10 phút mỗi ngày để diệt loăng quăng, bọ gậy xung quanh vườn”, ông Cù Thế Kỷ, thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà bộc bạch.

Có thể khẳng định rằng, công tác phòng chống dịch SXH của Hà Tĩnh trong năm 2023 đã đạt được kết quả cao. Có được những kết quả này ngoài trách nhiệm chính của ngành y tế, thì sự huy động cả hệ thống chính trị, ban ngành đoàn thể, cùng toàn thể cộng đồng nhân dân hưởng ứng. Nhờ đó, khi có ca bệnh xuất hiện thì được khoanh vùng, xử lý kịp thời, khống chế thành công từng ca bệnh, tuyệt đối không để bùng phát và lây lan, thực hiện chiến dịch diệt diệt loăng quăng, bọ gậy, với phương châm “Không có loăng quăng/bọ gậy, không có SXH”.

Thanh Loan

Cùng chuyên mục