Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 19.803 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số ca mắc giảm 38%, tử vong giảm 6 ca. Tại Hà Tĩnh mới chỉ ghi nhận 4 ca rải rác ở các huyện trong tỉnh.
Vì thế, với khẩu hiệu “không có loăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, lễ phát động được tổ chức nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân cùng tham gia vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy, tạo phong trào rộng rãi trong toàn phường. Đây cũng là dịp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, từ đó làm thay đổi hành vi, ý thức của người dân về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh, khống chế không để dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn.
Phát biểu tại lễ phát động, bác sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: Diệt lăng quăng/bọ gậy để muỗi không có môi trường sinh sản và phát triển là cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất, đơn giản nhất. Để công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có hiệu quả, mỗi hộ gia đình hàng tuần hãy dành 30 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thau rửa, đậy nắp kín bể, các vật dụng chứa nước, thả cá, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết và thu gom dụng cụ phế thải để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.
Sau lễ phát động, lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương đã đồng loạt tham gia tổng vệ sinh, lật úp, thu gom các dụng cụ chứa nước như chai, lọ, chum, vại, lốp xe.… nhằm ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi.
Thông qua chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của Nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Nhật Thắng