CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Kiểm soát dịch bệnh 14:36 28/08/2024 (277)

Ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh

Năm 2024, tình hình dịch bệnh trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi bùng phát, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân. Nhận định sớm tình hình dịch, ngay từ đầu năm, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ngành Y tế chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh

Ngành đã chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Việc giám sát các dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, ho gà, sởi, cúm A... được thực hiện từ cơ sở và có sự phối hợp thông tin giữa cơ sở điều trị và dự phòng. Công tác truyền thông được chú trọng, đã trang bị thêm kiến thưc, kỹ năng phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm cho người dân. Ngành cũng chỉ đạo triển khai sớm công tác đào tạo, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tập huấn cho hơn 1100 cán bộ làm công tác phòng chống dịch tuyến cơ sở; thực hiện giám sát, hỗ trợ và trực tiếp hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng chống dịch. Trung tâm y tế các huyện/thị/thành phố triển khai giám sát chặt chẽ tại các ổ dịch cũ, phối hợp tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 54 ca sốt xuất huyết, 71 ca sởi, 32 ca ho gà, gần 10 nghìn ca cúm, gần 200 ca thủy đậu... . Các ca bệnh đều được giám sát chặt chẽ, được điều trị khỏi, ổ dịch sởi tại Thị trấn Đức Thọ, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh được ngành chỉ đạo tập trung giám sát, lấy mẫu và triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đến nay, dịch đã được khống chế và dập tắt, không lây lan sang các địa bàn lân cận; các trường hợp mắc đều được điều trị ổn định, không có trường hợp nặng.  

Công tác quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng được duy trì hiệu quả tại 216/216 xã, phường100% xã triển khai hoạt động quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp; 52% xã đã triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đầy đủ, an toàn, hiệu quả. Tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV là 528 bệnh nhân; số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 150 bệnh nhân.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được tăng cường. Ngành chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục cho người tiêu dùng, người dân nhằm thay đổi nhận thức và hành vi trong sử dụng thực phẩm theo chiều hướng có lợi cho sức khỏe. Công tác dân số - KHHGD cũng được đẩy mạnh, số trẻ sinh, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, tỷ số giới tính khi sinh đều giảm so với cùng kỳ 2023.

Với những nỗ lực vượt khó, ngành Y tế đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Có được những kết quả đó là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, sự tập trung cao, bám sát địa bàn của các đơn vị chuyên môn, sự thống nhất, phối hợp của các địa phương trong công tác phòng chống dịch và triển khai các hoạt động của ngành y tế.

Tý lệ tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn luôn đạt trên 99%

Tình hình dịch bệnh những tháng cuối năm dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian tới, ngành Y tế  đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng toàn tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch. Đặc biệt, tăng cường giám sát dịch bệnh trong mùa tựu trường, trong mùa lụt bão và giám sát chặt dịch bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, cảng biển.... Chú trọng việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Đồng thời, ngành cũng chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức các đợt cao điểm về phòng, chống dịch theo mùa, các chiến dịch, phong trào vệ sinh yêu nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch...

Ngành Y tế Hà Tĩnh cũng quan tâm đến việc duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và nỗ lực đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả như: vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Với các biện pháp chủ động, tích cực của các ngành, địa phương và các đơn vị y tế, việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch. Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh truyền nhiễm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và theo khuyến cáo của ngành y tế. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp. Cùng với đó, cần tăng sức đề kháng qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thể thao đều đặn để tăng sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Thu Hòa

Cùng chuyên mục