CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Truyền thông GDSK 00:08 24/04/2019 (876)

Nắng nóng tác động khủng khiếp nhất đến những đối tượng nào?

Khu vực Nam Bộ đang chịu tác động khốc liệt từ thời tiết nắng nóng với bức xạ tia cực tím ở mức nguy hiểm cực độ. Tất cả mọi người đều bị nắng thiêu đốt nhưng hai nhóm tuổi dễ bị thời tiết cực đoan tàn phá sức khỏe là người già và trẻ nhỏ.

Liên tiếp nhiều ngày qua, thời tiết nắng nóng đang trải dài khắp cả nước với nền nhiệt giao động từ 35 đến 380C. Tại TPHCM, nhiệt độ ngoài trời đo được vào buổi trưa có lúc đạt 41 đến 420C. Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nắng nóng có thể kéo dài đến hết tháng 4. Nguy hiểm hơn, bức xạ tia cực tím đo được đang ở mức nguy hiểm cực độ (chỉ số UV từ 11 đến 12) có thể gây bỏng da trong vòng 10 phút tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.



Số người bệnh đến khám và điều trị trong thời tiết nắng nóng gia tăng

Nắng nóng đang là nguyên nhân trực tiếp gây gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày. Hai nhóm tuổi chịu tác động nặng nề nhất do thời tiết đang là người già và trẻ em. Tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược, Thống Nhất… số người đến bệnh viện khám đã tăng ở mức từ 8 đến 12% so với những thời điểm thời tiết ôn hòa trong năm.

Huyết áp, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cảm nắng, sốc nhiệt, tụt điện giải… là những loại bệnh phổ biến nhiều người đến thăm khám tại các bệnh viện. Những người trên 70 tuổi là nhóm được bác sĩ xác định chịu sự tác động rất nhiều của yếu tố thời tiết nắng nóng.

Ở người già khi thời tiết nắng nóng hệ tim mạch phải hoạt động với cường độ cao nhưng cơ thể cũng như hệ mạch máu đã lão hóa nên nguy cơ bị các bệnh như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ) luôn đe dọa.



Người lớn tuổi nguy cơ phát sinh các bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe do nắng nóng gây ra

Phân tích của BS CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược chỉ ra: Nhiệt độ môi trường khoảng từ 20°C đến 30°C, cơ thể người sẽ điều chỉnh thích nghi tốt. Nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể không thể điều chỉnh kịp các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện, nhẹ thì “cảm nắng” nặng hơn thì phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức do nhiệt; sốc nhiệt có thể dẫn tới tử vong.

Bên cạnh người già, trong 2 tuần trở lại đây nhóm trẻ nhỏ phải đến các bệnh viện nhi thăm khám, điều trị cũng gia tăng ở mức 12 đến 15% so với những tháng đầu năm. Hô hấp, tiêu hóa, cảm nắng… là những nhóm bệnh được bác sĩ ghi nhận nhiều ở trẻ trong tuần qua. Nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi được nhận định đang bị tác động tiêu cực đến sức khỏe do thời tiết gia tăng các bệnh rôm sảy, viêm da, hăm loét…


Trẻ em cần được bảo vệ, tăng cường miễn dịch trước thời tiết nắng nóng

Theo BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Trẻ nhỏ, cơ thể rất yếu dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, trong đó rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều thường khiến trẻ mệt, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công. Trong thời tiết nắng nóng, tim phổi của trẻ sẽ hoạt động nhiều hơn khiến các bé dễ bị đuối sức.

Theo các nhà chuyên môn, dưới tác động của tia UV ở mức nguy hiểm, hoạt động của tế bào bạch cầu lympho ở người già và trẻ em cũng suy giảm mạnh nên khả năng chống chọi với vi khuẩn sẽ giảm đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn cơ hội tấn công qua hô hấp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp.

Các Bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy hiểm trong thời tiết nắng nóng cộng đồng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ cơ thể bằng dinh dưỡng để tăng đề kháng, ngủ nghỉ hợp lý để bảo vệ sức khỏe, hạn chế đi ra đường ở khung giờ cao điểm nắng nóng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Nếu bất đắc dĩ phải ra ngoài, cần mang kính, nón rộng vành, mang quần áo dài tay…



Khi phải đi ngoài đường cần mang quần áo dài tay, khẩu trang, kính mát, nón rộng vành để bảo vệ cơ thể

Với người lớn tuổi cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không lạm dụng chất kích thích như rượu, bia trong thời tiết nắng nóng. Những cụ mắc bệnh mạn tính hoặc đang trong thời gian điều trị thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ hoặc đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe.

Với trẻ em, phụ huynh cần tăng cường vệ sinh cơ thể để tránh rôm sảy, viêm da, không cho trẻ dùng những món đồ ăn cũ. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, cho trẻ uống nhiều nước, hạn chế đưa trẻ đến những nơi công cộng đông người, không cho trẻ nằm phòng máy lạnh nhiều, ở nhiệt độ thấp, những trẻ nằm quạt tuyệt đối không để luồng gió cố định thổi thẳng vào người. Khi trẻ có biểu hiện bệnh cần đưa đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

(Nguồn: dantri.com.vn)

Cùng chuyên mục