CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tin trong ngành 17:22 22/03/2019 (1219)

Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp sốt phát ban nghi sởi

Bệnh sởi đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Đặc biệt tại Philippines từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 12.736 trường hợp mắc sởi phải nhập viện và có tới 203 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; hầu hết các trường hợp mắc sởi đều không có tiền sử tiêm vắc xin sởi. Ở nước ta, tính từ tháng 10/2018 đến nay đã ghi nhận trên 18 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 3 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố. Hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Tại tỉnh ta, theo TS. Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: từ đầu năm 2019 đến nay đã điều tra, giám sát 26 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong đó có 8 trường hợp dương tính. Các ca bệnh nằm trên địa bàn huyện Can Lộc (5 ca), Lộc Hà ( 2 ca), Thạch Hà ( 1 ca). Số ca mắc sởi đều ghi nhận cả người lớn và trẻ em. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.


Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh kiểm tra việc
quản lý vắc xin tiêm chủng tại cơ sở

Trước tình hình dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng. Tăng cường thực hiện tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ. Khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi/rubella cho trẻ 1-5 tuổi trên địa bàn 11 huyện còn lại trong tháng 4/2019 nhằm đạt kết quả cao nhất.
Đối với các bệnh viện, tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị; thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh sởi để người dân biết, phòng tránh và đi tiêm chủng phòng bệnh…
TS. Tâm cho biết thêm: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm . Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Tiêm phòng Sởi là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh Sởi

Để chủ động phòng tránh bệnh sởi, người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.
Thu Hòa

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại