Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh: Thực tế hiện nay, một số cấp ủy, chính quyền, cũng như cán bộ y tế và người dân chủ quan với bệnh SR, đặc biệt ở những vùng đồng bằng, ven biển hay thành phố, do lâu ngày không tiếp xúc với bệnh SR. Bên cạnh đó, một số người còn có thói quen không nằm màn khi ngủ, đặc biệt khi vào rừng lao động, sản xuất.
Cán bộ y tế tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt rét cho người dân
Anh Nguyễn Thế H, Thạch Kim (Lộc Hà), là một trong những bệnh nhân bị bệnh SR đi từ Angola về. Nhưng do chủ quan không đi khám bác sĩ mà uống thuốc của thầy lang nên làm cho anh co giật, mê sảng. Nhớ lại cảnh này anh H. còn chưa hết bàng hoàng: “Mặc dù biết bị SR nhưng tôi chủ quan không đến Bệnh viện để điều trị mà ở nhà uống thuốc dân gian, nhưng không đỡ đến khi bệnh nặng lên cơn co giật, hôn mê. May được người nhà đem đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa nên được qua cơn nguy kịch”.
Còn Chị Nguyễn Thị T. (Lộc Hà), là một thợ may nên chị T. chưa bao giờ nghĩ mình bị SR. Chị tâm sự: “Tôi cứ nghĩ SR là ở những vùng rừng núi cao rừng sâu hoặc chỉ những người đi làm trong rừng mới bị. Nhưng sau một đợt uống thuốc tây không lành, đến khi ốm nặng đi bệnh viện khám, xét nghiệm mới biết là mình bị SR”.
Tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi nhằm bảo vệ, phòng chống bệnh sốt rét
Theo báo cáo của khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019 trên toàn tỉnh có 220 bệnh nhân SR, trong đó bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét 5 ca.
Mặc dù thời gian qua tại Hà Tĩnh số bệnh nhân mắc SR cũng như bệnh nhân SR có ký sinh trùng giảm; không có SR ác tính; không có dịch SR cũng như không có tử vong do SR. Nhưng hiện nay Hà Tĩnh có 61 xã, thuộc 10 huyện nằm trong vùng SR lưu hành, đặc biệt là những nơi các vùng rừng núi, đồi là những nơi có muỗi truyền bệnh SR, nên khi có bệnh nhân mang ký sinh trùng SR từ các tỉnh khác hoặc ở nước ngoài về sinh sống tại những vùng này thì có nguy cơ cao lây truyền bệnh sốt rét cho nhân dân địa phương.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh cho biết thêm: SR là một bệnh lây có tính nguy hiểm rất cao. Người mắc bệnh SR kéo dài sẽ bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt. Khi bị muỗi đốt các ký sinh trùng SR đi vào máu, chúng sẽ đến gan và chúng tăng lên gấp nhiều lần. Cứ vài ngày, hàng nghìn ký sinh trùng lại được thoát ra từ gan và đi vào máu, nơi chúng phá hủy các tế bào hồng cầu. Khi mắc SR thể não người bệnh có thể bị co giật hoặc hôn mê, nếu SR thể thận sẽ gây suy thận...
Triệu chứng thường gặp của cơn SR thể hiện qua 3 giai đoạn: giai đoạn rét run, kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ, đây là lúc hồng cầu bị vỡ do ký sinh trùng xâm nhập. Sau đó sang giai đoạn sốt cao trong nhiều giờ liên tiếp và chuyển sang giai đoạn vã mồ hôi, mồ hôi ra nhiều như tắm, sau đó nhiệt độ cơ thể giảm xuống dần dần, bệnh nhân có thể dậy sinh hoạt, lao động được. Các cơn sốt có thể lặp lại trong khoảng thời gian hàng ngày hay cách nhật, tùy thuộc vào loại ký sinh SR. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như: nhức đầu, buồn nôn, đau nhức khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bụng, lưng và gan lách sưng to, vàng da, thiếu máu kèm theo các rối loạn thần kinh, thận.
Cán bộ y tế xét nghiệm, tìm ký sinh trùng sốt rét trong muỗi
Trường hợp mắc bệnh SR không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ dẫn tới SR ác tính và tử vong; người chưa khỏi bệnh sẽ lây lan cho nhiều người khác do muỗi Anophen đốt hút máu từ người bệnh truyền sang người lành, từ đó làm cho nhiều người mắc bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh của SR khoảng từ 10 ngày đến 01 tháng tính từ khi bị muỗi SR đốt cho đến khi ký sinh trùng được giải phóng từ gan, thời kỳ này khác nhau tùy thuộc vào loại ký sinh trùng SR gây bệnh.
Vì thế, để chủ động phòng bệnh SR Bác sĩ Thanh khuyến cáo, tất cả mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp như sau: thường xuyên ngủ màn và tốt nhất là màn có tẩm hóa chất diệt muỗi, mặc quần áo dài khi phải làm việc vào ban đêm, bôi thuốc chống muỗi đốt lên những nơi da hở. Vùng SR nặng cần phun hóa chất diệt muỗi lên tường, vách nhà ở. Có thể dùng hương xua muỗi, vợt điện… để diệt muỗi. Vệ sinh nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, để phòng tránh muỗi trú đậu trong nhà, phát quang bụi rậm quanh nhà ở, lấp các vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh, di rời chuồng gia súc ra xa nhà. Khi nghi ngờ bị SR phải đến ngay cơ sở y tế để khám, lấy lam XN tìm KST và nhận thuốc điều trị bệnh nếu có, thuốc được cấp miễn phí tại các trạm y tế xã, thị trấn.
Đối tượng có nguy cơ cao là những người sinh sống, làm việc, học tập hay ra vào vùng có dịch SR lưu hành trong thời gian dài, thì cần được tư vấn, hướng dẫn cách phòng, chống bệnh SR theo quy định của Bộ Y tế. Đối với những người vừa ở khu vực có bệnh SR lưu hành về địa phương, đặc biệt là các nước châu Phi, vùng Tây Nguyên cần đến các cơ sở y tế để khai báo, tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết, trường hợp trong máu có ký sinh trùng SR sẽ được cấp thuốc điều trị miễn phí theo quy định.
Thanh Loan