Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh mỗi ngày phát hiện từ 800-900 ca bệnh, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế. Bên cạnh các ca mắc mới thì ngành y tế cũng đã ghi nhận các ca bệnh tái nhiễm do tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch sau khi đã nhiễm COVID-19.
Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 vẫn xảy ra nếu người dân có tâm lý chủ quan.
Chị N.T.H (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) bị nhiễm COVID-19 được điều trị tại nhà, sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, chị H. trở lại công việc bình thường của mình. Khoảng 10 ngày sau, chị qua thăm và chăm sóc mẹ bị COVID-19. Vài ngày sau, chị có dấu hiệu mệt mỏi nên xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV2.
“Tôi nghĩ mình mới bị nên sẽ không bị lại. Quá trình tiếp xúc, sinh hoạt và chăm sóc cho mẹ, tôi không đeo khẩu trang nên đã tái nhiễm. Tái nhiễm COVID-19 mệt hơn, ho cũng nhiều và lâu khỏi hơn lần trước” - chị H. chia sẻ.
Cũng trong trường hợp tương tự, anh N.H.Đ (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã điều trị khỏi và đi làm được khoảng 10 ngày thì bị tái nhiễm. Lần 2 này anh không có triệu chứng. Do cơ quan xét nghiệm định kỳ cho cán bộ, nhân viên, anh mới biết mình tiếp tục dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bác sỹ Trạm Y tế xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) điều trị cho một trường hợp F0 có triệu chứng.
Những trường hợp tái nhiễm như chị H., anh Đ. không phải là hiếm trong thời gian qua khi mà sau mắc COVID-19 người dân không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Hiện nay, trong cộng đồng có một số quan điểm sai lầm, cho rằng trước sau gì cũng mắc COVID-19, mắc trước kẻo mắc sau nên buông xuôi, không áp dụng các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Vì thế, làm gia tăng các ca nhiễm trong cộng đồng, gây áp lực cho hệ thống y tế. Không ít người cho rằng, nếu mắc COVID-19 rồi sẽ không bị lại nên đã có tâm lý chủ quan, không phòng dịch.
Người dân tuyệt đối không chủ quan trong công tác phòng dịch.
Bác sỹ Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nhận định: “Quan điểm mắc COVID-19 rồi sẽ không bị lại là hết sức sai lầm vì virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh. Virus liên tục thay hình đổi dạng, thay đổi tính chất miễn dịch, cơ thể không nhận diện được, từ đó virus né tránh được miễn dịch của cơ thể và người bệnh sẽ bị tái nhiễm.
Do đó, dù đã bị mắc COVID-19 và cơ thể đã có kháng thể kháng lại virus thì vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu nhiễm phải biến chủng khác hoặc lượng kháng thể trong cơ thể chưa đủ mạnh. Tất cả các đối tượng, từ người trẻ đến người già nếu có tiếp xúc nguồn lây đều có nguy cơ tái nhiễm. Những đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao là người già bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, trẻ em và người chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin”.
Cán bộ y tế đến cấp phát thuốc cho một trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, thông thường sau 1 đến 2 tháng từ khi khỏi COVID-19, người bệnh có khả năng tái nhiễm và nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn sau khoảng 3 tháng do nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian. Nguy cơ tái nhiễm phụ thuộc vào một loạt các yếu tố như: chưa được tiêm chủng hoặc có khả năng xảy ra ở những người từng nhiễm virus trước đó với phản ứng miễn dịch thấp hơn. Xác suất tái nhiễm cũng có thể cao hơn ở những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân hiệu quả.
Vì vậy, người dân dù đã tiêm vắc-xin hay đã bị nhiễm COVID-19 vẫn phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là việc tuân thủ đeo khẩu trang và sát khuẩn. Người dân cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Đồng thời, cho dù đã là F0 khỏi bệnh vẫn phải tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng khả năng bảo vệ, tránh tái nhiễm.
Thu Hòa