Ngày 3/10/2022, Việt Nam phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh. Báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi Bộ Y tế về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen đã khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.
Bệnh nhân là nữ (35 tuổi) khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu, ho và xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Đến ngày 4/10, sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam đã bình phục, có kết quả xét nghiệm âm tính.
Việc phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cấp bách cho các địa phương trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh. Đối với Hà Tĩnh, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ rất cao vì địa bàn trải dài trên tuyến QL1 với lưu lượng người và phương tiện lưu thông, giao thương rất lớn; KKT Vũng Áng có nhiều lao động ngoại nước đến lưu trú, làm việc. Đặc biệt, Hà Tĩnh có Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - nơi có đông người và phương tiện nhập cảnh vào địa bàn mỗi ngày.
Hà Tĩnh có Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với đông người và phương tiện nhập cảnh mỗi ngày.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, biểu hiện triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương đồng như bệnh đậu mùa, bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da và thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Bệnh đậu mùa khỉ truyền từ động vật sang người và lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Chí Thanh giám sát công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tháng 8/2022.
Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Đến nay, dù Việt Nam chỉ mới phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh song đòi hỏi các cơ sở y tế, các địa phương và người dân tuyệt đối không chủ quan mà cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh để phòng, tránh.
Những người đi về từ các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn kịp thời. Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ thì cần thông báo cho các cơ sở y tế để được kiểm tra, tránh việc dịch bệnh lây lan rộng. Hiện nay, đơn vị đang tham mưu cho Sở Y tế sớm triển khai tổ chức tập huấn về giám sát phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ cho cán bộ y tế các tuyến".
Bộ Y tế đưa ra 6 khuyến cáo để phòng, chống hiệu quả với bệnh đậu mùa khỉ.
Ngay trong ngày 4/10, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Sở đã yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu và cảng biển; giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Đến ngày 3/10/2022, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1). |
Theo Báo Hà Tĩnh