Sai phạm tại Bệnh viện Trưng Vương: Quản lý nhập nhèm, bác sĩ chia nhau tiền tỉ
Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng tài chính tại BV Trưng Vương thuộc Sở Y tế TP.HCM năm 2018, qua đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong liên doanh liên kết, mua sắm, tài chính…
Một trong những sai phạm tài chính được chỉ ra liên quan đến Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ (B-THTM) và sau kết luận thanh tra này, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thanh tra riêng hoạt động của Khoa B-THTM giai đoạn trước 2018.
5 bác sĩ chia nhau gần 2 tỉ
Theo báo cáo của Bệnh viện (BV) Trưng Vương gửi Thanh tra TP, trong năm 2018, Khoa B-THTM của BV đã điều trị, phẫu thuật, thủ thuật 1.849 ca, trong đó 144 ca bệnh nhân (BN) có sử dụng vật liệu nhân tạo (silicon ngực, mũi…), thu của BN hơn 3,8 tỉ đồng (tuy nhiên không cung cấp chứng từ thu tiền thực tế của 144 BN này cho Thanh tra TP). Trong số tiền thu được, khoa nộp về bộ phận thu viện phí phòng tài chính – kế toán BV hơn 1 tỉ đồng; mua và thanh toán tiền mua vật liệu nhân tạo cho các công ty tổng số 773 triệu đồng (tuy nhiên BV không cung cấp tài liệu, chứng từ, hợp đồng mua bán vật liệu nhân tạo với các công ty này cho Thanh tra TP). Số tiền còn lại gần 1,95 tỉ đồng 5 bác sĩ (BS) trong khoa chia nhau thụ hưởng, gồm PGS-TS Phạm Trịnh Quốc Khanh (trưởng khoa), Đinh Phương Đông, Nguyễn Xuân Thiện, Nguyễn Ngọc Nhơn và Trần Lê Hồng Ngọc.
Liên quan đến số tiền các BS chia nhau, trước đó vào tháng 3.2019 Sở Y tế đã kiểm tra và có quyết định thu hồi vào tài khoản tạm giữ của Sở. Tuy nhiên, mới có 4 BS nộp lại tiền.
Theo Thanh tra TP, việc Khoa B-THTM thu tiền của BN bằng cách tự mở sổ theo dõi thu tiền; các điều dưỡng, BS thực hiện thu tiền vật liệu nhân tạo của các BN để mua sắm, sử dụng trong phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ là thực hiện chưa đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế BV do Bộ Y tế ban hành.
Khoa B-THTM mua, sử dụng vật liệu nhân tạo, thu tiền, chi tiền như đã nêu là do Giám đốc BV Trưng Vương đã có 3 quyết định các năm: 2016, 2017, 2018 giao cho Trưởng khoa B-THTM chịu trách nhiệm tư vấn vật tư tiêu hao, sản phẩm phục vụ chuyên môn và giới thiệu công ty cung cấp để BN lựa chọn, chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm là chưa đúng trách nhiệm và quyền hạn của khoa và chưa đúng về trình tự, thủ tục mua sắm hàng hóa theo quy định.
Kết luận thanh tra cũng nêu việc BV Trưng Vương không thực hiện mua sắm vật liệu nhân tạo, không theo dõi các mặt hàng vật liệu nhân tạo (nguồn gốc, chất lượng hàng hóa…) là thực hiện chưa đúng theo quy định của luật Đấu thầu năm 2013, các quy định của Bộ Tài chính, Bộ Y tế và UBND TP.
Sai phạm kéo dài nhiều năm?
Theo quy định, hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý, phải được ghi rõ, đầy đủ các mục và bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh cũng như quá trình khám, chữa bệnh. Thế nhưng, qua thanh tra, Thanh tra TP phát hiện Khoa B-THTM có 101 hồ sơ bệnh án không thể hiện tem dán, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ các loại vật liệu nhân tạo đã sử dụng trong phẫu thuật cấy ghép vào cơ thể người thực hiện năm 2018 là không thực hiện đúng quy định về hồ sơ bệnh án theo luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, năm 2018, khoa có 14 BN sử dụng các loại dịch vụ thuộc danh mục kỹ thuật chưa kê khai giá với Sở Y tế.
Đáng lưu ý, trong khi đoàn Thanh tra TP đang tiến hành thanh tra BV Trưng Vương thì Sở Y tế có văn bản kiến nghị UBND TP thanh tra, làm rõ các sai phạm về hoạt động thu, chi, chênh lệch tiền phẫu thuật thẩm mỹ, vật liệu nhân tạo tại Khoa B-THTM của BV thời điểm trước năm 2018. Sau khi xem xét, UBND TP đã chấp thuận giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc thu, chi tiền tại khoa này trong quý 4/2019 (Thanh niên, trang 5).
Tăng cường truyền thông phòng bệnh tay chân miệng
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng dịp khai trường.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng trên địa bàn.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình.
Yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các đơn vị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).