TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Tin trong tỉnh 01:37 17/04/2019 (432)

Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm triển khai tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị, sáp nhập thôn, xóm và chuẩn bị cho việc sáp nhập xã. Qua những kinh nghiệm bước đầu của tỉnh, công việc tinh gọn và sáp nhập cũng đặt ra những vấn đề mới, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.


Cùng với lộ trình sáp nhập phường, xã một cách căn cơ, tỉnh Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công tiện lợi. Trong ảnh: Nhân viên BHXH Hà Tĩnh thực hiện giao dịch điện tử, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các chế độ bảo hiểm cho người dân.

Việc gì nâng cao hiệu lực, hiệu quả thì làm ngay

Ngay từ năm 2012, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành một đợt sáp nhập thôn, tổ dân phố ở phạm vi lớn. Nghị quyết 18 và 19 khóa XII tạo đà để địa phương này sắp xếp lại toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, xã. Nhận thức ý nghĩa quan trọng của cuộc "cách mạng về tổ chức xã hội", Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh khẩn trương thực hiện các nghị quyết của Trung ương với tinh thần táo bạo, quyết tâm cao, việc gì thật sự góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thì bắt tay vào làm ngay. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Các địa phương, cơ quan trong tỉnh đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, bắt đầu từ việc sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, sau đó xây dựng đề án sáp nhập. Hơn một năm qua, cấp tỉnh đã sáp nhập Văn phòng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội với Văn phòng UBND tỉnh, tổ chức lại văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, hợp nhất nhiều đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, giảm từ 26 ban quản lý dự án xuống còn bốn ban. Ðối với cấp huyện, tỉnh chỉ đạo thí điểm sáp nhập một số cơ quan đảng với cơ quan nhà nước tại huyện Ðức Thọ, như đã sáp nhập Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng HÐND, UBND huyện thành Văn phòng Cấp ủy, chính quyền; sáp nhập Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện, sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Phòng Thanh tra để thành lập Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện. Việc sáp nhập ở huyện Ðức Thọ có thuận lợi lớn do Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện. Tỉnh cũng chỉ đạo giảm công chức cấp xã để đạt mục tiêu xã loại 1 có không quá 19 cán bộ, công chức; xã loại 2 không quá 18 người và xã loại 3 không quá 17 người. Hơn hai nghìn thôn, tổ dân phố thực hiện mô hình tự quản, khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách.

Quá trình sáp nhập các đơn vị được triển khai một cách sáng tạo, mỗi địa phương, sở, ngành có cách làm khác nhau nhưng đều xuất phát từ thực tế công việc. Trong khi đối với các sở, ngành, yêu cầu về khối lượng công việc chuyên môn, quản lý nhà nước được đặt lên hàng đầu, thì các huyện, thành phố, thị xã coi trọng sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Các huyện, xã đều lấy ý kiến của cấp ủy, đại biểu HÐND, cán bộ, công chức và ý kiến của nhân dân nhiều lần trước khi tiến hành việc sáp nhập các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, thôn, xóm, tổ dân phố.Từ ý kiến thu thập được, cấp ủy hoàn thiện kế hoạch tinh gọn bộ máy và tập trung chỉ đạo đối với từng nội dung.

Tháo gỡ sự kìm hãm, vướng mắc

Khảo sát cách thức triển khai công tác sáp nhập tại một số sở, ngành cấp tỉnh đã xuất hiện không ít khó khăn, trong đó khó nhất là việc lựa chọn cấp trưởng. Vừa qua, tỉnh đã sáp nhập Ðảng bộ Khối các cơ quan tỉnh với Ðảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Ðảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Trao đổi về những thuận lợi cũng như khó khăn của việc sáp nhập này, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Lê Văn Vinh nhận xét: Công tác tư tưởng được lãnh đạo Tỉnh ủy làm rất kỹ, tổ chức nhiều cuộc họp nên đến nay đội ngũ cán bộ hai cơ quan đều đồng thuận. Hai Ðảng bộ có cùng chức năng, nhiệm vụ nên không gây xáo trộn đối với cơ sở. Sau sáp nhập, Ðảng bộ có hơn 6.000 đảng viên, bốn phó bí thư, 45 ủy viên Ban Chấp hành, 12 ủy viên Ban Thường vụ và 36 cán bộ, công chức. Trước đây mỗi ban xây dựng Ðảng chỉ có hai đến ba người, nay được bổ sung cán bộ sẽ tốt hơn. Khó khăn nhất sau hai tháng sáp nhập là bốn ban xây dựng Ðảng hiện có tám ủy viên Ban Thường vụ.Tạm thời, Ban Thường vụ Ðảng ủy phân công các đồng chí phó bí thư phụ trách các ban, song tới đây sẽ phải chọn bốn trưởng ban trong số tám người. Do cán bộ mới quen nhau nên khó có thể đánh giá chính xác về năng lực, phẩm chất của từng người. Ðiều này khiến cho những cán bộ trong cuộc không khỏi tâm tư. Hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy duy trì chế độ làm việc thường xuyên với lãnh đạo Ðảng bộ Khối để tháo gỡ khó khăn về nhân sự và cơ sở vật chất.

Cùng nội dung sáp nhập nhưng mỗi huyện có cách làm riêng. Ðối với huyện Thạch Hà, Huyện ủy xác định rõ mục tiêu sắp xếp lại là để tháo gỡ sự kìm hãm, vướng mắc cản trở sự phát triển. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án sáp nhập từ dưới lên, tập trung khắc phục những điểm yếu kém, bất hợp lý. Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân nêu cách tiếp cận của huyện: Phải chỉ ra được những tồn tại ngay trong Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện. Mỗi đoàn thể phải thấy được những yếu tố gây khó khăn đối với nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính quyền để xây dựng đề án sát thực tế. Từ đó, Huyện ủy đã thông qua 11 tiểu đề án cấp huyện, 31 đề án cấp xã và đề án tổng thể, mỗi đề án đều đặt mục tiêu giải quyết những điểm nghẽn cụ thể.

Theo đề án sáp nhập các xã của huyện Thạch Hà thì xã Thạch Tân sẽ được sáp nhập với xã Thạch Lâm. Xã Thạch Tân có 8.300 dân, diện tích hơn 5 km2, trong khi xã Thạch Lâm chỉ có gần 3.000 dân và diện tích 3 km2. Bí thư Ðảng ủy xã Thạch Tân Trần Hữu Minh cho biết, thông tin về sáp nhập xã được cán bộ và nhân dân cả hai xã thông suốt, chọn tên xã mới là Tân Lâm. Trước đó, trường trung học cơ sở của hai xã đã được sáp nhập cũng lấy tên là Tân Lâm. Dự kiến khi sáp nhập hai xã với nhau sẽ dôi dư tám cán bộ, 10 công chức, 13 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và 31 người hoạt động không chuyên trách các thôn. Ðến thời điểm này có một số cán bộ gần đến tuổi về hưu hoặc không đủ tuổi tái cử. Ước tính có tám cán bộ sẽ về hưu theo Nghị định 108. Với những người hoạt động không chuyên trách, tỉnh sẽ hỗ trợ theo thời gian công tác khi thôi nhiệm vụ. Cơ sở vật chất xã Thạch Tân tốt hơn, xã đã đạt nông thôn mới nên trụ sở xã mới sẽ đặt tại Thạch Tân.

Huyện Can Lộc chọn phương pháp sáp nhập dần từ dưới lên. Ðối với các xã phải sáp nhập, Huyện ủy chỉ đạo sáp nhập các trường học, trạm y tế trước. Trường, trạm nằm trên địa bàn xã nào thì xã đó quản lý. Ðề án sáp nhập xã đang trong giai đoạn lấy ý kiến cán bộ chủ chốt và nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðặng Trần Phong khẳng định, mở rộng dân chủ về sáp nhập thôn, xã là việc làm cần thiết. Ðối với các xã chuẩn bị sáp nhập, Ban Thường vụ Huyện ủy dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xin ý kiến đảng viên về các nội dung như tên gọi của xã, nơi đặt trụ sở xã và lắng nghe đề xuất của đảng viên. Nơi nào đảng viên thông qua thì nhân dân cũng đồng thuận. Huyện cũng làm công tác tư tưởng đối với con em xa quê hương, động viên cán bộ chủ chốt gần đến tuổi về hưu, điều chỉnh công chức trong huyện để không dôi dư nhiều, duy trì các đoàn thể ở xã cho đến đại hội các đoàn thể vào năm 2021 để sắp xếp dần cán bộ. Tổ xây dựng đề án sáp nhập của huyện có bộ phận chuyên về tài chính, bảo đảm các loại công nợ, nợ xây dựng cơ bản, nợ chi thường xuyên, các dự án của các xã đều phải công khai trước khi sáp nhập. Các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì huyện sẽ đầu tư thúc đẩy để đạt chuẩn trước khi sáp nhập, không để chênh lệch lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội. Với sự chuẩn bị từng bước, cẩn trọng, huyện Can Lộc đã sẵn sàng cho việc sáp nhập xã Khánh Lộc với xã Vĩnh Lộc, xã Song Lộc với xã Trường Lộc vào quý III năm nay.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Huyện Can Lộc còn ba xã khác trong diện phải sáp nhập, nhưng không đủ thời gian sắp xếp nhiều xã một lúc do cán bộ "dồn toa" quá nhiều. Bên cạnh đó, quy mô thôn, xóm tăng trong khi tỉnh đang thực hiện chủ trương giảm số người hoạt động không chuyên trách, sợ rằng sau này sẽ khó tìm được người làm việc ở thôn. Tương tự, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân thừa nhận, huyện không đủ sức sáp nhập 16 xã thành tám xã trong một năm vì không biết bố trí cán bộ tám xã dôi dư thế nào. Do đó, huyện đề nghị sáp nhập sáu xã trong thời gian tới, còn lại sẽ sáp nhập trong những năm tiếp theo vì công chức thì có thể điều động xã này sang xã kia nhưng cán bộ thì không chờ được. Huyện Thạch Hà đã xây dựng được cơ sở hạ tầng đồng bộ với các cơ sở phúc lợi dùng chung rất tốt, nhất là ở 17 xã nông thôn mới, nay sáp nhập sẽ lãng phí các công trình mới đầu tư như trường học, trạm y tế, hội trường xã. Một bộ phận nhân dân băn khoăn vì thành lập xã mới sẽ mất đi tên gọi lâu đời. Một số trưởng các đoàn thể lo lắng vì chưa biết sẽ sắp xếp thế nào. Lãnh đạo các xã mong muốn đẩy nhanh tiến độ sáp nhập để ổn định bộ máy, kịp chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng bộ xã diễn ra vào khoảng tháng 3 đến tháng 5-2020.

Từ thực tế tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương khác, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù con số 16 huyện, thị xã và 636 xã, phường, thị trấn phải sáp nhập khá nhỏ so tổng số 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích và dân số. Ðồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đưa ra ý kiến: Chủ trương của Ðảng rất đúng, ai cũng đồng tình nhưng việc sáp nhập các đơn vị cần có lộ trình. Sắp xếp lại mà hiệu quả không tăng thì cần điều chỉnh trong chỉ đạo cho phù hợp. Những vướng mắc về thể chế hiện nay cần Trung ương tháo gỡ ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Thiết nghĩ, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách để đạt được mục tiêu sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính là nâng cao hiệu quả hoạt động. Nếu có sự hướng dẫn đầy đủ, thống nhất, các địa phương sẽ có thể triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc và đạt kết quả cao hơn.

BÀI VÀ ẢNH: HÀ VIỆT TUẤN

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại