CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y Tế Công Cộng 15:08 26/10/2020 (1479)

Gần 90% giếng nước bị ngập lụt được xử lý xong

Với phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường và xử lý nước sạch đến đó”, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đang bám sát địa bàn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước và làm vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.
Trong đợt lũ lụt vừa qua, nhà Chị Trần Thị Hà ở thôn 10 xã Cẩm Quang bị ngập sâu gần 2m. Cả nhà tập trung tá túc trên tầng 2, nguồn nước sinh hoạt không có do giếng nước bị ngập sâu trong lụt.Nhiều ngày qua chị và người dân ở đây phải hứng nước mưa và sử dụng nước đóng chai cứu trợ để ăn uống và sinh hoạt. “Nước vừa rút, cả gia đình tập trung phơi hơn tấn thóc bị ướt do ngập, chưa kịp nghĩ đến thau rửa giếng nước thì cán bộ y tế xã đã đến hướng dẫn và trực tiếp khử khuẩn nguồn nước cho gia đình”chị chia sẻ.
Ngành Y tế tập trung xử lý giếng nước sinh hoạt cho người dân xã Cẩm Quang..
 
Xã Cẩm Quang có gần 1700 hộ dân. Do chưa có nước máy nên 100% hộ dân ở đây dùng nước nước giếng khoan sinh hoạt. Mưa lụt đã làm hầu hết các giếng nước bị ngập sâu. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, các cán bộ trạm y tế, trung tâm y tế huyện đã chia nhau đi giám sát từng nhà, cấp phát Cloramin B, tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt. Y sỹ Phan Công Cừ - Phó trưởng trạm Y tế Cẩm Quang cho biết: “với gần 2000 giếng bị ngập, để đảm bảo triển khai xử lý nhanh nguồn nước cho người dân, Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cử người cùng xuống hỗ trợ chúng tôi hướng dẫn và xử lý nguồn nước cho người dân. Với tốc độ này chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện việc xử lý nguồn nước, đảm bảo cho người dân có nước phục vụ sinh hoạt”.
Bs. Trần Huy Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết:“huyện Cẩm Xuyên có 13.339 giếng nước và công trình vệ sinh bị ngập. Tính đến 17h ngày 25/10, toàn huyện đã có 12.365 giếng nước và 15.101 công trình vệ sinh được xử lý. Huyện đã cấp 1 tấn phèn chua, 100kg Cloramin B cho 23/23 xã; cấp 12 ngàn viên Aquatas cho 9 xã vùng ngập sâu. Đồng thời cắt cử cán bộ xuống các địa bàn để cùng cán bộ trạm y tế hướng dẫn người dân xử lý môi trường, xử lý nguồn nước”.

.....và xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên
 
Không riêng Cẩm Xuyên, các địa phương bị ngập nặng như Thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà cũng đang chạy đua với thời gian, nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước cho người dân đến đó. Với hình thức cuốn chiếu, tập trung nhân lực triển khai xã nào xong xã đó, đến nay cơ bản người dân các địa bàn vùng ngập lụt đã có nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Toàn tỉnh hiện có 32.971/37.294 giếng nước được xử lý. Các huyện Hương Khê, Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, huyện Kỳ Anh, Thạch Hà hiện đã cơ bản xử lý xong nguồn nước cho người dân.Các huyện như Cẩm Xuyên xử lý được 75%, Thành phố 98% do một số địa bàn nước chưa rút hết nên chưa triển khai xử lý được.

Tập trung phun hóa chất khử khuẩn, vệ sinh môi trường các cơ quan công sở và hộ gia đình sau lũ

TS. Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện toàn tỉnh còn khoảng 5 nghìn giếng nước chưa được xử lý do nước chưa rút hết. Với thời tiết như hiện nay, trong ngày mai sẽ cơ bản xử lý xong nguồn nước cho người dân. Các đội cơ động phòng chống dịch của Trung tâm vẫn bám sát các huyện, xã để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ bà con.Trung tâm cũng đã dự trù và xin cấp thêm từ trung ương hóa chất xử lý nguồn nước, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các địa phương để xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt. Tất cả vì mục tiêu không có dịch bệnh xảy ra sau mưa lụt”.
“Sau mưa lụt dễ phát sinh các dịch bệnh do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, nước ăn chân… Mỗi người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đồng thời chủ động phối hợp với cán bộ y tế khử trùng nguồn nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức thu gom, xử lý rác thải... phòng tránh dịch bệnh” TS. Tâm cho biết thêm.
Thu Hòa




Cùng chuyên mục