CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
ATVS Thực Phẩm 07:47 17/05/2024 (289)

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời tiết nắng nóng

Nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, bất kỳ thực phẩm nào nếu không bảo quản đúng quy cách đều có thể ôi thiu gây ngộ độc thực phẩm. Để hạn chế những nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình, thì tất cả mọi người cần trang bị cho mình các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là vào mùa nắng nóng.

Mặc dù tại Hà Tĩnh từ đầu năm 2024 đến nay chưa xẩy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, nhưng trong năm 2023, trên toàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với 42 người mắc. Nguyên nhân đều do vi sinh vật gây ra; không có trường hợp tử vong. Số ca ngộ độc lẻ tẻ là 895 trường hợp.

Anh Nguyễn Tuấn Dương, du khách đến từ Hà Nội cho hay: “Trong những ngày hè, do thời tiết nắng nóng nên gia đình thường tổ chức đi nghỉ dưỡng, vui chơi. Vì có con nhỏ, nên lần này gia đình tôi chọn về nghỉ ngơi ở Vinpearl, Lộc Hà. Ở đây đã được 3 ngày rồi, các bữa ăn được đầu bếp nấu rất ngon miệng, sạch sẽ, an toàn”.

Đoàn kiểm tra ATVSTP tỉnh kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại biển Xuân Hải, huyện Lộc Hà

 

Hiện nay vào thời điểm nắng nóng, khách du lịch đổ về các bãi biển, để phục vụ nhu cầu của du khách, nhiều quán hàng kinh doanh thực phẩm mọc lên xung quanh bãi biển. Từ các mặt hàng hải sản tươi, sống đến các sản phẩm ăn nhanh, hoa quả, nước uống….

Anh Phan Văn Dũng, ở xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà bộc bạch: “Trong những ngày hè nắng nóng, để cho các con có ch vui chơi, giải nhiệt ngày hè. Vào các buổi chiều khi trời mát vợ chồng tôi thường đưa các cháu ra biển vui chơi, tắm. Sau khi tắm xong tôi thường mua cho các cháu đồ ăn vặt như xúc xích, xiên, gà rán và các loại nước pha sẵn, như trà chanh… Mặc dù biết là có thể không đảm bảo an toàn khi cho các con ăn các loại thực phẩm này, nhưng lâu lâu chiều con bữa”.  

Thời gian qua, trong nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, với nhiều người bị ngộ độc. Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm ở tỉnh Bình Thuận, với 52 người phải cấp cứu, điều trị do đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Qua các vụ việc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi thời tiết bước vào nắng nóng, việc bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị vi khuẩn, virus xâm nhập.

Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của thực phẩm

 

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm tra đánh giá việc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương. Đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Qua việc kiểm tra, đoàn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song với công tác kiểm tra, giám sát, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đã tiến hành test nhanh, thử hồ tinh bột, dầu mỡ trong các dụng cụ chứa đựng thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Bà Đào Thị Phương, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù các cơ quan, ban ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng hiện nay trên toàn tỉnh có gần 19 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ở Hà Tĩnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhất là quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ, do vậy cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, trang thiết bị, con người không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Lực lượng thanh, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá mỏng, một mặt nữa phải kể đến đó là sự quá dễ dãi của người tiêu dùng có thể dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm”.

Kiểm tra hồ sơ liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP

 

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cần thực hiện tốt các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm cần thực hiện tốt các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp, vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng là nhân tố quan trọng có tính quyết định, biết cách chọn, mua và sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn.

Thanh Loan

Cùng chuyên mục