CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 21:34 17/06/2019 (3830)

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng 5 cách đơn giản để phòng bệnh sốt xuất huyết

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, chỉ một chiếc nắp chai cũng đã chứa đủ nước cho muỗi sinh sản và khuyến cáo người dân hãy chung tay loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng 5 cách đơn giản sau:
1. Cọ rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước, đổ hết nước khi không dùng đến.

2. Cọ rửa bình hoa, chậu cây và thay nước cho hoa.

3. Vệ sinh cống và máng xối.

4. Loại bỏ vật phế thải gây đọng nước.
5. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, ngăn không cho nước mưa vào.

WHO khuyến cáo, muỗi gây sốt xuất huyết sinh sản ở các dụng cụ chứa nước như lốp xe, chai, lọ, lon, hũ và vỏ dừa. Hãy loại bỏ những vật dụng không cần thiết này khỏi nhà và xung quanh nhà. Tháo nước và cọ rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần để bảo vệ bạn và gia đình khỏi sốt xuất huyết.

Không có muỗi = Không có sốt xuất huyết

Ngành y tế Việt Nam cũng khuyến cáo phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng bằng cách tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín.

Tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.


Cả cộng đồng phòng chống, ngăn chặn hiệu quả bùng phát dịch

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch trên địa bàn.

Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Huy động học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, hướng dẫn các hoạt động nhằm loại bỏ lăng quăng, bọ gậy tại các vậtdụng chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp.


Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được ngăn chặn không để xâm nhập, các bệnh dịch lưu hành trong nước vẫn đang được khống chế. Bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, bệnh tay chân miệng giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên số mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại 63 địa phương.

Trong bối cảnh chúng ta đang phải đương đầu với không ít khó khăn như sự thay đổi bất thường về khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hoá, toàn cầu hóa nhanh, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn; hành vi, lối sống và tập quán người dân tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Dự báo trong năm 2019, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục có các diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát do đang bước vào thời điểm mùa dịch. Bên cạnh đó, các hoạt động phòng chống dịch bệnh vẫn còn khó khăn, thách thức như: khó khăn tiếp cận trong hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, giám sát dịch bệnh tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa; kinh phí đầu tư cho phòng chống dịch còn nhiều khó khăn ở cả Trung ương và địa phương và chưa được cấp kịp thời.

Năm 2019, Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó các đơn vị cần tích cực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhằm khống chế, không để dịch bệnh lớn xảy ra, giảm số mắc và tử vong đối với bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Dương Hải
Theo  Sức khỏe & Đời sống

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại